Những Cuộc Đổi Đời... Không có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để ứng dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất, đất đai manh mún, nguồn lực tài chính quá eo hẹp... ròng rã hàng chục năm trời, mặc dù lực lượng lao động rất lớn nhưng nông dân Quảng Nam buộc phải chấp nhận để đất hoang hoá, cỏ mọc lút đầu người; ao hồ toàn bèo và rau dại. Trồng trọt không tìm được những đối tượng cây trồng phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao; tình hình chăn nuôi cũng không "sáng sủa" mấy, bởi suốt thời gian dài, nông dân quanh quẩn với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông là chủ yếu. Nghề nuôi trồng thuỷ sản thì bao phen lận đận vì chất lượng con giống kém, dịch bệnh thay phiên hoành hành...
Ông Vũ Xuân Sơn, Chủ tịch UBND huyện miền núi Tiên Phước cho biết, 1.800 ha vườn tạp của địa phương này thời gian qua được chuyển sang chuyên canh các loại cây đặc sản bản địa, như: Tiêu, lòn bon, thanh trà... Có thể nói, không ít nông dân Tiên Phước đã trả lại "sổ nghèo" và tìm đến sự giàu có từ hướng đi này. Theo ông Sơn, bình quân mỗi năm, chí ít một hộ làm kinh tế vườn ở Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc... có mức thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng; nhiều gia đình "ẵm" về 80- 190 triệu đồng/năm đã không còn là... chuyện lạ. Không riêng Tiên Phước, vài năm trở lại đây, nông dân ở những địa phương được xem là đi đầu trong cải tạo vườn tạp, mở mới vườn đồi, vườn rừng như: Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Quế Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh, Bắc Trà My, Nam Giang cũng có nguồn thu 30-35 triệu đồng/ hộ/năm, tăng 5-7 lần so với năm 2000.
Cũng cần nói thêm, nếu năm 2000, tổng vốn đầu tư cho kinh tế trang trại chỉ gần 11 tỷ đồng thì nay đã là 105 tỷ đồng; bình quân mỗi trang trại có mức đầu tư hơn 110 triệu đồng. Cá biệt, trang trại chăn nuôi heo của bà Huỳnh Thị Thuỷ (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) được đầu tư hơn 6,3 tỷ đồng. Nếu xét về cơ cấu vốn đầu tư thì trang trại thuỷ sản khoảng 128 triệu đồng/mô hình, chăn nuôi 113,5 triệu đồng/ trang trại, cây lâu năm 125,6 triệu đồng/trang trại, cây hằng năm 57,1 triệu đồng/trang trại... Điều đáng nói là, mặc dù chỉ chiếm 36,7% tổng nguồn vốn đầu tư và diện tích rất ít (khoảng 110 ha) nhưng giá trị hàng hoá mà trang trại thuỷ sản (chủ yếu sản xuất con giống) mang lại hằng năm trong lĩnh vực kinh tế trang trại đã gần 56%.
Có thể nói, những năm qua, kinh tế trang trại đã góp một phần rất lớn vào quá trình tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của Quảng Nam. Thống kê chưa đầy đủ, năm 2006, giá trị hàng hoá và dịch vụ từ kinh tế trang trại đạt gần 100 tỷ đồng, gấp 25 lần so với năm 2000. Mừng là, nhờ có hướng đầu tư hợp lý, rất nhiều gia đình đã làm giàu từ kinh tế trang trại. Ông Trang Thanh Hùng (Tân An, Hội An) có 0,25 ha đất chuyên canh hoa, cây cảnh, chỉ với 3 lao động thường xuyên nhưng mỗi năm thu lãi 125 triệu đồng. Trang trại chăn nuôi heo được xem là lớn nhất tỉnh của bà Huỳnh Thị Thuỷ mà chúng tôi vừa đề cập cũng đang "hái ra tiền". Với diện tích 1 ha, được xây dựng khép kín, mỗi năm trang trại của bà Thuỷ nuôi 1.000 con heo nái và heo thịt, giá trị hàng hoá thu về hơn 1,6 tỷ đồng, lãi ròng gần 600 triệu đồng. 18 ha đất của ông Rích Si Man (Tắc Pỏ, huyện miền núi cao Nam Trà My) được trồng quế, mây và cỏ phục vụ chăn nuôi bò cũng mang về cho ông 130 triệu đồng/năm. Lên Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước) hỏi Phạm Xuân Hưng chắc hẳn sẽ không khó lắm, bởi chính ông là người đang sở hữu hơn 35 ha keo lá tràm, bình quân mỗi năm lãi ròng hơn 90 triệu đồng. Trang trại bò hơn 80 con được nuôi chuyên canh trên diện tích 30 ha của Ông Nguyễn Thanh Bình (Sông Trà, Hiệp Đức) cho thu nhập 185 triêụ đông/năm...