Hàng năm, cứ đến tháng 12, mãng cầu xiêm ở xã Xuân Bảo (Cẩm Mỹ - Đồng Nai) bước vào mùa thu hoạch với sản lượng có thể lên tới vài ngàn tấn. Khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, nhận thấy cây mãng cầu xiêm có giá trị kinh tế cao (nó có thể cho thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/ha) nên nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển sang thâm canh cây trồng này...
Ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bảo cho biết, vào năm 2000, do cà phê rớt giá thảm hại, nhiều hộ nông dân ở đây lâm vào cảnh điêu đứng, phải chặt cà phê, trồng lại các loại cây ngắn ngày khác. Trong đó có một vài hộ mạnh dạn trồng cây mãng cầu xiêm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên xã đã vận động bà con chuyển sang trồng loại cây này. Đến nay, diện tích cây mãng cầu xiêm của xã đã lên đến 299ha, chiếm 1/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã. Cũng nhờ cây mãng cầu xiêm, nhiều hộ dân ở đây đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, góp phần giảm hộ nghèo của xã xuống còn khoảng 2%.
Theo một số bậc cao niên ở đây, vùng đất Xuân Bảo rất thích hợp để phát triển cây mãng cầu xiêm. Cây trồng ở đây trái lớn và nhiều hơn các nơi khác. Khi ăn hoặc chế biến thành mứt hay sinh tố... mùi vị cũng thơm ngon và đậm đà. Vì vậy, vào mùa trái mãng cầi xiêm chín, thương lái về thu mua rất đông và trái ở đây bao giờ cũng bán được giá hơn những nơi khác. Hiện Xuân Bảo đã thành lập được CLB mãng cầu xiêm với gần 20 thành viên và đang đăng ký xây dựng thương hiệu riêng. Trong thời gian tới, CLB mãng cầu xiêm Xuân Bảo sẽ tiến hành thành lập hợp tác xã để có thể vươn ra thị trường thế giới.
Hiệu quả của cây mãng cầu xiêm
Ông Huỳnh Văn Vinh ở ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) cho hay: "Trồng mãng cầu chỉ khoảng 2 năm là có trái và từ năm thứ 3-4 trở đi, cây sẽ cho trái nhiều, trừ chi phí, tôi còn lời trên 60 triệu đồng/hécta". Còn anh Lê Văn Đức, chủ một khu vườn mãng cầu rộng hơn 2ha ở ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo thì cho biết: "Mãng cầu xiêm thường cho trái vào cuối tháng 12 cho tới tháng 3, nhưng tôi áp dụng phương pháp xử lý ra hoa để cây cho trái sớm hơn khoảng 1 tháng, nên bán rất được giá. Có khi giá bán gấp 4-5 lần so với thời kỳ giữa vụ. Mỗi hécta tôi thu khoảng 50 tấn quả, trừ tiền công chăm sóc, phân bón, điện nước tưới cây, tôi còn lời trên 100 triệu đồng/ha".
Theo kinh nghiệm của những hộ trồng mãng cầu xiêm đạt hiệu quả cao, thì trồng mãng cầu xiêm thường không phải mất tiền mua cây giống, vì chỉ cần chọn trái to ở những cây mẹ phát triển tốt là có thể lấy hạt ươm thành cây giống để trồng. Mật độ trồng thích hợp nhất là 9-10m2/cây. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mãng cầu xiêm cũng tương đối đơn giản, đặc biệt là loại cây này tốn rất ít công chăm sóc. Một lao động chính có thể chăm sóc được khoảng 5 sào mãng cầu. Mỗi một hécta trồng thâm canh mãng cầu xiêm mỗi năm chỉ cần đầu tư 25 tấn phân chuồng và 4 tấn phân hóa học NPK, chia thành 4 đợt bón cho cây. Cây mãng cầu xiêm chịu hạn rất tốt, về mùa khô chỉ cần tưới cho cây 1 tuần/lần. Hoa mãng cầu xiêm lưỡng tính và thường ra quanh năm nên muốn đậu trái cao phải dùng phương pháp thụ phấn cho hoa. Phương pháp này không những giúp cho số lượng trái đậu cao, mà kích thước của trái cũng to hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Minh, thì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở xã Xuân Bảo còn rất thấp, là do người dân nơi đây biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, cây mãng cầu xiêm được xem là loại cây thế mạnh đang được nhiều bà con trồng theo hình thức thâm canh.