Chỉ có lợi, chưa thấy hại
Trao đổi tại buổi tọa đàm “Thực phẩm BĐG - những điều bạn nên biết” chiều 14-10, GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho biết: BĐG đã có từ trước đến nay nhưng phải mất hàng nghìn năm trong thiên nhiên mới có thể xảy ra. Qua công nghệ sinh học, con người có thể thực hiện việc BĐG trong thời gian ngắn. Cây trồng hay thực phẩm được BĐG bằng công nghệ sinh học hiện đại một cách có ích và hợp lý.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, có nhiều lý do để thực hiện việc BĐG. Những nước dân số đông sẽ cần các thực phẩm BĐG tăng năng suất, hiệu quả kinh tế qua tác động của công nghệ sinh học. Qua BĐG có thể phát sinh những chuyện bất ngờ mà thiên nhiên không thể tạo ra như những giống lúa vàng…
Thực tế vẫn có nhiều lo lắng xung quanh việc sử dụng sản phẩm BĐG. Thông tin từ cuộc tọa đàm cho thấy, trên thế giới hiện có 27 nước (trong đó 19 nước đang phát triển và 8 nước phát triển) dùng các thực phẩm BĐG trong sản xuất cũng như trong đời sống. Các nước Đông Âu do dân số ít nên không quan tâm việc tăng năng suất, còn các nước Bắc Âu thì cấm nhập thực phẩm BĐG để duy trì giá trị thực phẩm của họ.
“Tôi nghĩ, các nước không dùng thực phẩm BĐG vì họ không hiểu. Họ thích sản phẩm thiên nhiên và cảm thấy yên tâm hơn. Thực phẩm BĐG không có chất độc và cũng chưa gây độc hại nào với người. Trình độ khoa học của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác như Mỹ, Anh… nhưng các thực phẩm BĐG đều được kiểm nghiệm và được cho phép sử dụng”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam bổ sung: Thực tế các nước ở châu Mỹ, dân số khoảng 700 triệu người, sử dụng cây trồng từ BĐG từ năm 1996 và đến nay chưa có ghi nhận nào gây hại từ cây trồng BĐG. Dự kiến, một ngày không xa việc mua bán cây trồng BĐG sẽ diễn ra hết sức bình thường.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Có thể thấy, đến nay đối với đa số người dân Việt Nam, thực phẩm BĐG là thứ khá mới mẻ. Giữa lúc thực hư lẫn lộn, thông tin về việc năm 2013, tại Pháp có nhà khoa học phát tán thông tin chuột ăn ngô BĐG bị ung thư được “xới” lại, càng khiến người tiêu dùng thêm nghi ngờ về độ an toàn của dòng thực phẩm BĐG.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc người dân bày tỏ sự lo lắng về thực phẩm BĐG là đương nhiên, bình thường, do còn thiếu hiểu biết về loại thực phẩm này. Chúng ta nên thay đổi thuật ngữ cây trồng BĐG bằng cây trồng công nghệ sinh học, bởi đó là tiến bộ, thành tựu lớn của công nghệ sinh học và tránh hiểu nhầm cho người dân.
Hiện nay, trên thế giới có 175,2 triệu ha – một con số rất lớn cây trồng BĐG. Phần lớn bông của Trung Quốc bây giờ đều là sản phẩm BĐG. Trong tương lai, cây trồng công nghệ sinh học sẽ phát triển và Việt Nam không nên rụt rè trong ứng dụng thực phẩm BĐG.
Liên quan tới vấn đề này, GS.TS Lê Huy Hàm cho biết: Trên thực tế, sau khi các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về việc Việt Nam bắt đầu tiếp cận cây trồng BĐG, rất nhiều lãnh đạo địa phương, nhà sản xuất đề nghị được cung cấp ngay nguồn giống để ứng dụng. Do vậy, về phía người nông dân tín hiệu đón nhận công nghệ BĐG tương đối tốt.
Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn có sự e ngại, đặc biệt là từ phía các hội người tiêu dùng. Nguyên nhân của sự e ngại này chủ yếu do công tác tuyên truyền của các tổ chức, những nhóm chống cây trồng BĐG với những lý do khác nhau như tôn giáo, lợi ích nhóm hoặc chưa hiểu biết.
Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học, giới truyền thông và các nhà hoạch định chính sách cần phải cố gắng làm việc nhiều hơn, có chiến lược truyền thông tốt hơn, đưa được thông tin thực sự khoa học và chính xác đến với người dân. Từ đó, những thông tin không chính xác giảm đi sẽ khiến người dân hiểu, ủng hộ cho thực phẩm BĐG.
“Ở Việt Nam, chúng ta áp dụng cơ chế hết sức an toàn, đặc biệt trong NK, sử dụng thực phẩm BĐG. Ngoài việc cơ quan có cây trồng BĐG phải cung cấp đầy đủ mọi hồ sơ còn phải cung cấp giấy chứng nhận đã có 5 quốc gia phát triển cho dùng sản phẩm BĐG này làm thực phẩm hay làm thức ăn chăn nuôi. Do vậy, không có lý do gì để những thực phẩm BĐG không an toàn lại có thể du nhập vào Việt Nam”, GS. TS Lê Huy Hàm khẳng định.
Giữa tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã ký Quyết định cấp Giấy xác nhận cho 4 sự kiện (giống) ngô BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, bao gồm: MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto); Bt 11 và MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Quyết định được ban hành sau quá trình xem xét và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn Thực phẩm và thức ăn chăn nuôi BĐG. Quyết định ứng dụng công nghệ sinh học (cụ thể là cây trồng BĐG) trong nông nghiệp thể hiện tầm nhìn chiến lược và tính đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, vì lợi ích phát triển của toàn ngành nông nghiệp và nông dân trong nước; phù hợp với tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020, trong đó có chủ trương ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đồng thời cũng phù hợp với chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm bớt gánh nặng NK thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. |
Uyển Như