Khác với mấy năm qua, nhiều vùng đất ruộng không “trầm thủy”, bị ngập sâu. Hiện thời một số thửa ruộng đã cày trục xong, dọn cỏ sạch, có nơi nông dân mới sạ xong, hạt lúa lấm chấm nảy mầm trên mặt ruộng.
Do nước rút sớm ở một số vùng đất gò cao TP. Cần Thơ nông dân sợ thiếu nước nên xuống giống sớm gần 2.000 ha. Tuy nhiên phần lớn diện tích lúa còn lại trong tổng số hơn 87.000 ha vào vụ ĐX sẽ xuống giống đồng loạt theo khuyến cáo lịch xuống giống của Cục Trồng trọt, bắt đầu từ 20/11 (mùng 7/10 âm lịch) và dự kiến kết thúc trong đợt 1 của tháng 11/2012. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống đúng theo lịch thời vụ để phòng tránh sâu bệnh và dự phòng gặp bất lợi thiếu nước vào giai đoạn lúa trổ.
Làm đất gieo sạ lúa ĐX ở ĐBSCL
Ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, Đồng Tháp thường xuống giống lúa ĐX sớm hơn An Giang. Đợt đầu trong tháng 10/2012, tuy có mưa nhưng không bị ảnh hưởng, tỉnh Đồng Tháp gieo sạ hơn 91.000 ha trong tổng diện tích lúa ĐX 206.000 ha. Hiện nay chỉ còn 10% diện tích trong 88.800 ha lúa TĐ sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 11. Do vậy, phần lớn dịch tích lúa ĐX còn lại sẽ xuống giống đồng loạt theo lịch né rầy.
Ở Đồng Tháp, một số vùng gieo sạ sớm, nhưng các địa phương bám sát theo dự báo rầy nâu di trú của cơ quan BVTV khuyến cáo. Năm nay nước rút sớm tuy ít hao tốn xăng dầu bơm nước, nhưng mặt thiệt là thiếu phù sa bồi đắp. Nông dân tốn công dọn cỏ, làm vệ sinh đồng ruộng.
Tại An Giang, vùng lúa TĐ đang thu hoạch vào giai đoạn cuối. Nhưng ở vùng đất gò bãi ven sông Hậu một ít diện tích đã gieo sạ sớm lúa ĐX. Sở NN-PTNT An Giang dự kiến kế hoạch 235.000 ha lúa vụ ĐX, theo đó từng tiểu vùng sẽ đồng loạt vào vụ theo khuyến cáo lịch xuống giống của địa phương.
Năm nay An Giang có thể chủ động đối phó tình hình khô hạn giai đoạn cuối vụ. Sau 4 năm (2008-2012), An Giang vừa hoàn thành đề án phát triển hệ thống trạm bơm điện, với 936 trạm bơm do các tổ chức hợp tác và nông dân đầu tư 438 triệu đồng, có khả năng chủ động bơm nước, tưới tiêu cho 137.000 ha lúa vụ ĐX.
Đến nay ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… phần lớn diện tích lúa không bị ảnh hưởng nước lũ hàng năm đã xuống giống theo kế hoạch. Theo Chi cục BVTV các tỉnh phía Nam, đến ngày 9/11/2012, trà lúa ĐX sớm (2012-2013) đã xuống giống 241.330 ha, trong đó lúa chín sớm 262 ha; còn lại phần lớn vào giai đoạn mạ 146.783 ha, đẻ nhánh 77.194 ha, làm đòng trổ 17.091 ha.
Vụ lúa TĐ 2012 toàn vùng có 793.542 ha, trong đó hơn 350.000 ha đã thu hoạch; còn lại lúa đang chín 145.764 ha, lúa làm đòng trổ 227.550 ha, lúa mạ 4.466 ha, lúa đẻ nhánh 65.004 ha. Vụ lúa mùa 2012 có 243.566 ha, trong đó thu hoạch 18.205 ha, lúa chín 35.488 ha; còn lại 6.881 ha lúa đang giai đoạn mạ, lúa đẻ nhánh 93.942 ha, lúa làm đòng trổ 89.050 ha.
Theo BCĐ phòng chống RN-VL-LXL các tỉnh phía Nam, trong tuần qua (từ 3 đến 9/11) có 9.747 ha lúa nhiễm RN, tăng 1.875 ha so với tuần trước. Mật số RN trên đồng phổ biến 1.000 - 2.000 con/m2, nơi cao hơn 3.000 con/m2 với diện tích 269 ha. RN trên đồng ruộng phổ biến tuổi trưởng thành. Các tỉnh có diện tích lúa nhiễm RN nhiều như Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang. Nhưng diện tích lúa nhiễm VL-LXL ít, có 27,15 ha, với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 2-5%. Một vài loại dịch hại khác biến động so tuần trước như bệnh đạo ôn lá 14.018 ha, tăng 785 ha; bệnh đạo ôn cổ bông 5.762 ha, tăng 3.550 ha; ốc bươu vàng 4.910 ha, tăng 2.046 ha; sâu cuốn lá 4.525 ha, giảm 1.813 ha... |
Do trên đồng ruộng ĐBSCL luôn hiện diện nhiều vùng lúa ở các giai đoạn khác nhau, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh rất cao, có thể lây nhiễm sang các trà lúa vụ ĐX. Hơn nữa, kinh nghiệm qua các năm trước cho thấy trà lua ĐX sớm thường dễ nhiễm rầy nâu (RN), bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá (VL-LXL) lây sang lúa ĐX chính vụ gieo sạ trong tháng 11, 12.
Để vụ lúa ĐX ở ĐBSCL đảm bảo đạt hiệu quả cao và thích ứng trong điều kiện thủy văn, Bộ NN-PTNT vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành trong vùng và các đơn vị có liên quan trực thuộc, tranh thủ lũ nhỏ, có điều kiện rút nước sớm, các địa phương điều chỉnh thời vụ phù hợp theo hướng ở những nơi có điều kiện tăng diện tích gieo sạ trong tháng 11 và chấm dứt xuống giống vào cuối tháng 12, để tránh hạn, xâm nhập mặn cuối vụ; thu hoạch sớm để có thời gian cày ải làm đất chuẩn bị vụ HT.
Đặc biệt các địa phương lưu ý đảm bảo gieo sạ đồng loạt trên từng vùng theo lịch xuống giống né rầy ở từng địa phương. Theo Cục BVTV dự báo, những đợt RN di trú từ ngày 24-26/11 và 2-5/12, các địa phương quan tâm khuyến cáo nông dân chú trọng vệ sinh đồng ruộng để diệt mầm sâu bệnh, phòng tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ; đồng thời phòng trừ chuột và ốc bươu vàng phá hại…
(Nguồn: Hữu Đức - Báo NNVN ngày 16/11/2012)