Sốt xuất huyết được liệt vào bốn đại dịch năm 2013. Ảnh minh họa
Từ đầu năm 2013, cả nước ghi nhận 10.847 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 40 tỉnh/thành phố, trong đó có 10 ca tử vong. Sốt xuất huyết cũng là một trong những dịch bệnh toàn cầu, được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu.
4 tháng, gần 11.000 người sốt xuất huyết
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong tuần qua cả nước ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong tại TP.HCM. Đó là một trường hợp bé gái 12 tuổi tử vong do sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy đa phủ tạng.
Gần đây nhất là trường hợp bé N.L.B.T. (4 tuổi, ngụ tại phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp… Sau kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh bệnh nhi. Tuy nhiên, do diễn tiến trở nặng, 3 ngày sau khi nhập viện bé không thể qua khỏi.
Một trường hợp tương tự cũng xảy ra tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, bệnh nhi là bé L.G.P. (7 tuổi, ngụ tại phường 5, quận 11). Cháu nhập viện trong tình trạng khó thở, mạch nhẹ, tiêu phân đen,... Được biết, trước đó bé sốt cao 4 ngày kèm theo đau bụng, ói ra máu lợn cợn, tay chân lạnh. Mọi nỗ lực cứu chữa của bác sĩ đều vô vọng vì bệnh nhi đã rơi vào tình trạng xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu.
So với cùng kỳ năm 2012, số mắc tăng 5,2%, tử vong tăng 3 trường hợp. Các ca sốt xuất huyết vẫn tập trung chủ yếu ở 20 tỉnh miền nam (hơn 9.500 ca) và 11 tỉnh miền Trung (3.880 ca).
Tại hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội vừa qua, sốt xuất huyết được liệt vào một trong bốn loại bệnh gây dịch đáng lo ngại nhất năm 2013.
Trước tình hình đó, địa phương trên cả nước đã đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể tăng cường biện pháp phòng dịch. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phổ biến kiến thức và tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở về căn bệnh nguy hiểm này ...
Hơn 1/2 dân số thế giới bị đe dọa vì sốt xuất huyết
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 390 triệu người bị nhiễm sốt xuất huyết - đây là căn bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có chủng ngừa hoặc loại thuốc cụ thể nào điều trị sốt xuất huyết được phê duyệt chính thức.
Sốt xuất huyết chủ yếu lây lan qua các loại muỗi gây bệnh Aedes aegypti và ngày càng tăng nhanh cùng với quá trình đô thị hóa toàn cầu, đặc biệt căn bệnh này phát triển ở các vùng nhiệt đới và dễ lây lân thông qua môi trường có chứa vũng nước bé.
Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến giống muỗi lây lan virus sốt xuất huyết tăng nhanh. Kết quả là, hơn một nửa dân số thế giới hiện đang tiếp xúc gần với căn bệnh nguy hiểm này, chủ yếu là những nước đang phát triển, miền Nam châu Âu và miền nam châu Mỹ.
Tổ chức y tế thế giới WHO thống kê mỗi năm thế giới có khoảng 390 triệu người bị nhiễm sốt xuất huyết. |
Tại châu Âu, năm 2012 đã trải qua đợt sốt xuất huyết bùng phát lớn nhất từ sau năm 1920 đến nay với khoảng 2.000 người bị nhiễm trong quần đảo Madeira của Bồ Đào Nha. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 70% các trường hợp sốt xuất huyết nghiêm trọng trên thế giới tập trung ở châu Á, trong đó Ấn Độ chiếm tới 34%. miền Nam châu Mỹ, chủ yếu là Brazil và Mexico tăng 14%, trong khi đó còn chưa kể đến gánh nặng dịch bệnh này ở châu Phi.
Theo tờ Straits Times của Singapore, quốc gia có nguy cơ đối mặt với dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong lịch sử. Số người dân Singapore bị nhiễm virus nguy hiểm đã là 327 người chỉ riêng vào tuần trước. Trong khi đó, ngưỡng bệnh dịch ở Singapore với dân số chỉ hơn 5 triệu người, được xác định là 191 trường hợp trong một tuần. Kể từ đầu tháng Giêng năm nay, mỗi tuần có khoảng 300 người Singapore bị sốt xuất huyết và các bác sĩ địa phương nhận định đến giữa năm con số này có thể tăng gấp đôi.
Trong khi đó, hồi tháng 9 năm ngoái, thử nghiệm vaccine chống sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới của hãng Sanofi tại Thái Lan ít hiệu quả hơn so với mong đợi. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để loại vaccine này đạt hiệu quả tốt nhất và được phê duyệt sớm nhất có thể. Một số loại vaccine thử nghiệm khác cũng đang được phát triển mạnh.
(Trích từ báo: www.xaluan.com)