Dọc hai bên đường chạy vào các xã Xuân Phú, Xuân Tâm, Xuân Hiệp, Lang Minh của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)- thủ phủ bắp lai của cả nước, hàng nghìn ha bắp chín vàng đã đến thời kỳ thu hoạch. Nông dân Lý Pháp Sinh (ấp Tây Minh, xã Lang Minh) có 5,4 ha trồng bắp hồ hởi cho biết: “Năng suất vụ ĐX này rất cao, đạt tới 10 tấn/ha. Tổng cộng gia đình thu 54 tấn bắp bán với giá 6,5 triệu đồng/tấn, được trên 320 triệu”. Theo tính toán của anh Sinh, chi phí đầu tư chỉ hết khoảng 1/3 số tiền bán bắp nên riêng vụ ĐX này anh bỏ túi hơn 200 triệu đồng.
|
Ông Sinh: “Vụ bắp này năng suất đạt kỷ lục từ 10- 12 tấn/ha” |
Tương tự, ông Lý Nam San trồng 1,4 ha bắp; ông Trần Thảnh cũng trồng 1,7 ha tại xã Lang Minh còn thu tới 11 tấn/ha, trong khi vụ HT chỉ thu được 7 tấn. Đặc biệt, ông Trướng A Cẩu trồng 1,5 ha bắp thu về 18 tấn, cao hơn 40% so với vụ HT. Toàn bộ sản lượng bắp thu hoạch đều được thương lái xuống tận ruộng thu mua, bà con rất phấn khởi.
Nhiều nông dân cho biết, trước đây Xuân Lộc thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, đất bỏ hoang rất nhiều. Nhưng từ năm 1992, huyện đã trồng thử nghiệm 3 kg giống bắp lai của Thái Lan. Sau ba tháng trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, kết quả năng suất loại giống này tăng gấp ba lần giống bắp mà nông dân địa phương đang sử dụng.
Từ đó, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã quyết tâm xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà chủ yếu là trồng bắp vụ ĐX trên chân ruộng lúa (tận dụng được các diện tích đất bỏ hoang), nông dân mạnh dạn sử dụng giống mới vào SX, đã tạo ra bước đột phá về cả năng suất lẫn chất lượng cho thủ phủ bắp Xuân Lộc.
Đặc biệt vài năm gần đây, nông dân Xuân Lộc đã chuyển mô hình gieo trồng cây bắp lai từ hàng đơn (50- 55 nghìn cây/ha) hàng cách hàng đều nhau 60 cm, sang trồng hàng kép (70- 80 nghìn cây/ha) trên chân ruộng lúa vụ ĐX. Cách trồng bắp hàng kép là cứ hai hàng cách nhau 30 cm thì hàng tiếp theo sẽ cách 90 cm. Với mật độ tương đối cao nhưng khoảng cách giữa các cây phân bố đều hơn, tạo sự thông thoáng, giúp cây quang hợp tốt và giữ được độ ẩm cần thiết, tránh được sâu bệnh, tiếp tục đưa năng suất lên tới 10- 12 tấn/ha.
Theo Phòng NN- PTNT huyện Xuân Lộc, một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công cho vụ ĐX tại thủ phủ bắp là huyện thường xuyên tổ chức nạo vét kênh mương, trữ nước tưới tại hệ thống nước thủy lợi hồ Suối Vọng, đập dâng ấp Bưng Cần; đồng thời ngay từ đầu vụ huyện tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại và yêu cầu người dân phải sử dụng những giống bắp đã được kiểm định, cho năng suất, chất lượng cao trong nhiều vụ trước.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, vụ bắp ĐX dù là vụ SX phụ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn cả vụ chính HT. “Ngoài áp dụng tiến bộ kỹ thuật, do thời tiết ít mưa nên nông dân giảm được chi phí phân bón (không bị nước mưa rửa trôi); đồng thời cỏ dại không phát triển càng giúp cây bắp có năng suất rất cao chỉ sau 3 tháng 10 ngày gieo trồng. Năng suất bình quân gần 3.000 ha vụ ĐX của huyện đạt trên 10 tấn/ha, nông dân đã lãi tới 2/3 tổng số tiền bán bắp”, ông Nhật nói.
(Nguồn Báo NNVN)