Ảnh minh họa
Hiện lúa chiêm xuân ở đồng bằng sông Hồng ở giai đoạn bón thúc đẻ nhánh. Theo yêu cầu về dinh dưỡng thì tổng lượng phân lót và thúc cần đến 75% lượng phân cả vụ.
Tuy nhiên, thời tiết lại diễn biến theo chiều hướng làm cây lúa sinh trưởng phát triển chậm. Cây lúa quang hợp nhờ ánh sáng ban ngày.
Thông qua việc hấp thu dinh dưỡng, một phần sản phẩm quang hợp tạo thành năng lượng phục vụ quá trình hô hấp và một phần để tạo ra sinh khối mới. Thời tiết âm u và rất ít nắng, nhiệt độ về đêm thấp, ẩm độ không khí luôn cao và gần như bão hòa… nên nhu cầu về năng lượng để hô hấp không cao.
Sản phẩm quang hợp tạo ra cũng không nhiều nên cũng không có nhu cầu cao về hấp thu dinh dưỡng. Mặc dù nhổ cây lúa lên kiểm tra, cây nào cũng có bộ rễ trắng phau và khỏe mạnh do nhiệt độ bình quân ngày đêm cao (thường trên 16 độ C).
Khi bón thúc, một phần dinh dưỡng được đất hấp thu, một phần được cây sử dụng, một phần bị rửa trôi theo nhiều hướng. Nếu dinh dưỡng bị thừa còn sinh ra ngộ độc đất và không có lợi cho sinh trưởng phát triển cây lúa, nhất là nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn.
Vì vậy, có thể tạm dừng việc bón thúc đẻ nhánh, duy trì mực nước thích hợp từ 2 - 3 cm, đồng thời nắm bắt diễn biến của các yếu tố thời tiết để tiếp tục bón thúc theo lượng quy định cho kịp thời. Nhớ lại vụ chiêm xuân 2011, gần đến chính tiết Thanh minh (5/4) trời hửng nắng, đa số nông dân mới tiến hành bón phân. Năm đó các địa phương đều bội thu; ở huyện Nam Sách (Hải Dương) còn có chuyện vui là bón phân “giả bữa” cho lúa.
Nguyễn Hữu Vân/ nongnghiep.vn