Thay đổi tư duy sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), xây dựng và quản lý mã số vùng trồng là những giải pháp căn cơ cho nông nghiệp trách nhiệm và bền vững vùng ĐBSCL.
Ngày 27/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL theo hình thức trực tuyến với các chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị ngày 27/8. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, ĐBSCL chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trên 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều tác động và thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất, nước…, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, lượng phân bón, thuốc BVTV sử dụng tại ĐBSCL cao hơn trung bình của cả nước từ 35% đến 40%. Trong đó, về sử dụng phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560 kg/ha, còn tại ĐBSCL sử dụng đến 754 kg/ha gieo trồng.
Nhiều giải pháp
Tại hội nghị, báo cáo của Cục BVTV cho thấy thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV tại Việt Nam nói chung và tại các tỉnh ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là sử dụng lãng phí làm giảm hiệu quả, tăng chi phí sản xuất.
Hội nghị đã đánh giá thực trạng và giải pháp quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật xuất khẩu nhằm đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu, trong đó tập trung vào các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, liên kết sản xuất, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Các giải pháp cụ thể là chú trọng nâng cao hiệu quả tập huấn cho từng nhóm đối tượng như nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc BVTV, thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu và chuỗi liên kết giá trị.
Bên cạnh đó, phát triển các mô hình hợp tác công - tư để thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững các sản phẩm chủ lực cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, hướng dẫn để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các bên tham gia về sử dụng thuốc BVTV, phân bón, quản lý vùng trồng.
Ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, IPM, sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào thế hệ mới, thông minh, an toàn với môi trường để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu và các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp với điều kiện và cơ sở hạ tầng sẵn có tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc đàm phán mở cửa thị trường.
Ngoài ra, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế; tổ chức triển khai quyết liệt và hiệu quả giữa các cơ quan, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật.
VFC tham gia chia sẻ những hoạt động và sáng kiến trong công tác tiếp cận và chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hội nhập, an toàn và bền vững
Thay đổi nhận thức của nông dân
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tình trạng khu vực ĐBSCL sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao hơn trung bình của cả nước từ 35% đến 40% có những nguyên nhân khách quan.
“Đây là nơi sản xuất hàng hóa, đã là tư duy sản xuất hàng hóa thì cần sản lượng cao, muốn sản lượng cao thì nông dân chỉ còn cách sử dụng nhiều phân, nhiều thuốc để đảm bảo không bị dịch bệnh nhằm giữ được sản lượng hoặc tăng sản lượng. Chính tư duy sản xuất đó làm nông dân quay cuồng theo sử dụng phân, thuốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Giải pháp mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đưa ra là phải kiên trì để chứng minh với nông dân rằng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với nông dân nếu nông dân thay đổi.
Phải thiết lập được một hệ sinh thái hay liên minh của những doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nền nông nghiệp, có trách nhiệm đối với nông dân, có trách nhiệm với một thương hiệu quốc gia về nông sản.
Theo Bộ trưởng, những liên minh này sẽ cùng ngồi lại cùng với các cơ quan quản lý nhà nước để hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, mang tính chất căn cơ hơn, làm sao để những mô hình sẽ lan tỏa thấm vào suy nghĩ của nông dân rằng, không thể đi theo con đường cũ nữa mà cần vạch ra con đường mới để đi, con đường này lúc đầu có thể khó khăn nhưng thực tế những mô hình đã và đang triển khai đã chứng minh được hiệu quả.
“Như vậy, sự cộng hưởng giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm sẽ hình thành một hệ sinh thái cùng với những hợp tác xã, hội nông dân khi chúng ta cùng ngồi lại cùng nhau hoạch định một hướng đi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam (nongnghiep.vn)