Dù đến tuổi nghỉ hưu, nhưng với niềm đam mê công việc và cống hiến, ông Trương Công Cứ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) - vẫn cùng đội ngũ đưa VFC cạnh tranh và hội nhập.
Khoác lên mình chiếc áo sơ mi màu xanh lá, ông Cứ kể cho chúng tôi câu chuyện gắn bó với VFC trong suốt 45 năm bằng một giọng điệu tự hào. Chiếc áo màu xanh là thương hiệu của VFC như một lời dặn dò về sự thân thiện giữa con người với thực vật, giữa con người với con người và trách nhiệm với môi trường sống. “Cái tình” gắn kết Tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM, ông Cứ được phân công về Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng II (TP. HCM). Một năm sau, người bạn cùng khóa của ông được phân công về làm việc tại Đội Sát trùng II, không may trong lúc tác nghiệp bị tai nạn. Sau đó, ông Cứ được điều động cấp tốc sang Đội Sát trùng II. Công việc ở đây vất vả, nặng nhọc và có những rủi ro dễ gây tổn thất về người. Dù vậy, nơi đây cũng mở ra một trang mới tươi đẹp đối với ông, minh chứng cho điều này là sự gắn bó bền bỉ suốt 45 năm qua với công việc tại VFC. Xuất phát là một cán bộ kỹ thuật, lúc đó, ông cùng nhân viên hằng ngày phải vào kho, đi ra tàu viễn dương để khử trùng. Cái quý giá nhất mà hơn 4 thập niên qua ông không thể quên được là cái tình người với nhau. Dù đội lúc này chỉ quy mô nhỏ, nhưng điều khiến ông và mọi người gắn kết hơn là cách sống của lãnh đạo, cách chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, giống như chăm lo cho các thành viên trong gia đình vậy. Những ngày miệt mài cùng đội sát trùng, những buổi chiêu đãi thân tình của khách hàng khi xong việc… đó là những cái tình không thể nào quên đối với ông. Được sự tin tưởng ủng hộ của tập thể, ông Cứ gặt hái nhiều thành tích, góp phần cho sự phát triển chung của công ty.
Năm 1990 - 2009 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của VFC với dấu ấn là cổ phần hóa và niêm yết thành công trên sàn chứng khoán. Hiện nay, ngoài mục tiêu lợi nhuận, ông cùng đội ngũ tiếp tục tìm phương án tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời giảm tối đa hóa chất, tăng cường hữu cơ sinh học. Nhìn lại hành trình xây dựng và phát triển, theo ông Cứ, thành công của VFC là vận dụng hiệu quả yếu tố con người vào trong triết lý kinh doanh. Điều này vừa thể hiện trực tiếp trên các chỉ số kinh doanh vừa thể hiện gián tiếp qua nhiều yếu tố vô hình khác. Đồng hành cùng người nông dân Mỗi một giai đoạn đều có những khó khăn và thuận lợi riêng. Khi kinh tế thị trường mở ra, VFC có sự giao lưu và cạnh tranh nên những kỹ thuật mới được du nhập về.
Đến giai đoạn vốn 100% tư nhân, VFC đánh dấu bước ngoặt tự chủ, năng suất làm việc cao, đời sống người lao động cũng được cải thiện, trang thiết bị được củng cố. Ngày nay, VFC cũng không ngừng nỗ lực hỗ trợ người nông dân, và hướng tới cải thiện môi trường xanh. Khi nhà nước đề ra “Đề án một triệu héc ta lúa chất lượng cao” nhằm nâng cao thu nhập đời sống của bà con nông dân cũng như giảm phát thải khí nhà kính, VFC đã liên kết với các đơn vị khác để thực hiện chuỗi giá trị trên những mô hình, từ việc đầu tư giống, kiểm soát dịch hại, dinh dưỡng cho đến việc thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. Hiện nay VFC đang triển khai mô hình này trên Đồng bằng sông Cửu Long và có kết quả khá ấn tượng. “Nếu như trước đây, chúng ta dùng thuốc hóa học nhiều thì dần dần phải có sự chuyển đổi. Hiện nay, VFC đang tập trung phát triển những sản phẩm sinh học hữu cơ để giảm bớt lượng thuốc hóa học, giảm phát thải “nhà kính nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cho bà con nông dân.” Hiện nay, với ngành nghề thuốc bảo vệ thực vật, chỉ có một kênh phân phối nhưng có đến hàng trăm công ty phục vụ nên tính cạnh tranh rất lớn.
VFC tự hào có chiến lược đúng đắn ngay từ đầu là đưa ra bộ sản phẩm chất lượng cao đảm bảo an toàn khi tới tay người tiêu dùng. “Chúng tôi có bộ sản phẩm chất lượng nhưng chỉ thành công khi có hàng triệu nông dân tin tưởng ủng hộ suốt nhiều năm qua. Chúng tôi không những có chính sách cạnh tranh thị trường mà còn luôn mang lại lợi ích cho khách hàng, luôn xem những khó khăn của khách hàng chính là những khó khăn của công ty. Nếu không đồng hành vì con người, không chia sẻ lợi ích công bằng thì khó có một VFC như ngày hôm nay”, ông Cứ nhấn mạnh.
Trong ngành Nông dược, VFC chủ trương chăm sóc khách hàng ở ba cấp là nhà phân phối, hệ thống bán lẻ và người nông dân. Trong đó, VFC tập trung chuyển giao các giải pháp, tổ chức các chương trình du lịch kết hợp đào tạo cho người nông dân, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi. VFC luôn quý trọng con người, không chỉ những con người nội bộ mà còn là đối tác, khách hàng. Sự đoàn kết tạo nên thành công Những khác biệt giữa các thế hệ là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển chung. Thế hệ trước đó may mắn có được sự giáo dục nhận thức, lý tưởng sống từ gia đình, nhà trường và xã hội. Người trẻ hôm nay lại có những điều kiện thuận lợi về học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tư duy sáng tạo. Đó là vốn quý của VFC trên “đường đua” khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành trên thị trường.
Hiện nay, diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, chính sách kinh doanh có khi phải điều chỉnh liên tục. Khó khăn, thách thức giai đoạn nào cũng vậy, chỉ có mức độ cạnh tranh ngày càng tăng và gay gắt hơn. Thực tế đó đặt ra đòi hỏi tinh thần cùng nhau sáng tạo của tập thể VFC. Trước nhất là từ thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm của từng cá nhân. Xa hơn nữa là sáng tạo trong cách quản lý - điều hành công việc của từng bộ phận, phòng ban cho đến toàn ngành. “Chiến lược luôn là phát triển bền vững. Truyền thống của VFC là quý trọng con người.
Lấy con người làm cốt lõi. Những thế hệ trẻ phải tiếp sức để ngôi nhà VFC luôn phát triển và vươn xa”, ông Cứ nhấn mạnh. Sau một thời kỳ khó khăn thử thách, có lúc tưởng chừng sắp bị quật ngã nhưng VFC vẫn kiên cường vượt qua. Nhiều đơn vị trong ngành nhìn về VFC như là một “phép lạ” phi thường về năng lực quản trị và sự may mắn. Nhưng sâu xa hơn, trong niềm tin chung của ban lãnh đạo, con người vẫn luôn là nguồn gốc của kỳ tích trên mọi hành trình của VFC.