Tham gia nhiều vai trò tư vấn đến vận hành, ông Trần Văn Dũng cho biết: Sự tăng trưởng đột phá của VFC là đến từ chiến lược đúng đắn, trong đó, cải tiến là điều phải làm hằng ngày, hằng tuần.
Từ cơ duyên khi VFC có nhu cầu tái cấu trúc công ty để xác định chiến lược phát triển, ông Trần Văn Dũng đã tham gia tư vấn cho VFC về mảng tài chính kế toán. Sau khi hoàn thành tốt vai trò và được ban lãnh đạo tin tưởng, ông chính thức trở thành “người nhà” của VFC với vai trò quản lý tài chính. Trong hơn 12 năm gắn bó, ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng, không chỉ đóng góp về chuyên môn, còn gìn giữ ngọn lửa nhiệt huyết qua nhiều thế hệ VFC đã gầy dựng và truyền đến cho thế hệ trẻ. Thành tựu nổi bật nhất mang dấu ấn của ông có thể kể đến là sự tăng trưởng bứt phá của VFC vào năm 2022, công ty bắt đầu tăng trưởng doanh thu 50% so với năm 2021 trở về trước. Năm 2023, doanh thu duy trì và có nhịp độ phát triển, tăng 15% so với năm 2022.
Để phát triển, cần xác định thế mạnh Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, VFC đã trải qua muôn vàn khó khăn để rồi tăng trưởng đột phá và phát triển như ngày hôm nay. Thành công đến từ tầm nhìn và chiến lược đúng đắn của VFC, mà trong đó bứt phá giới hạn, tư duy đổi mới sáng tạo là điều không thể thiếu và trở thành nét đẹp văn hóa, thói quen hằng ngày, hằng tuần của toàn thể cán bộ công nhân viên của VFC. Theo ông Dũng, để VFC có thể phát triển tăng tốc như hiện nay, đó là nhờ một chiến lược xuyên suốt của ban lãnh đạo nhằm phát huy được những thế mạnh về bề dày lịch sử, tập trung vào đúng cái gốc của doanh nghiệp, để tạo ra những giá trị tốt nhất.
Chẳng hạn, cái gốc của VFC là khử trùng nên VFC có lợi thế về thị phần so với các đối thủ cạnh tranh khác. Với việc có một đội ngũ chuyên sâu, gắn bó lâu dài, kế hoạch kinh doanh của VFC đã đạt được tính ổn định và giữ được niềm tin của khách hàng. Như vậy, cần mở rộng các sản phẩm sao cho tập trung vào cái gốc này, thay vì phát triển đa ngành, đa nghề. Ông Dũng cho biết thêm, trong chiến lược của VFC, 4 giá trị cơ bản và cốt lõi là: Uy tín với khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý nhà nước; Bộ sản phẩm mạnh, cung ứng cho bà con nông dân những giải pháp hữu hiệu để phòng trừ dịch hại; Tập hợp được một đội ngũ làm nông dược và khử trùng tinh nghệ, tuân thủ đường hướng chiến lược; Có khả năng huy động và xử lý các vấn đề về tài chính. Đó là những giá trị tạo ra nền tảng của một VFC vững chắc. Từ nền tảng này, VFC cũng chú trọng cải tiến thường xuyên để phát triển. Cụ thể, để cải tiến thì trong quy trình, VFC luôn thực hiện đủ các bước lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và điều chỉnh. Chính từ bước điều chỉnh này sẽ có đổi mới để hiệu quả hơn. Ví dụ trong quản lý, VFC đã chuyển đổi từ mô hình quản lý phân tán sang tập trung. Trong đó, việc chuyển đổi không diễn ra một loạt mà qua từng giai đoạn, để cho các bộ phận có đủ thời gian thích ứng. Nói về việc sáp nhập, ông Dũng cho biết: “Khi thay đổi, mình không thay đổi một loạt mà theo trình tự. Như vậy lấy cái trước làm kinh nghiệm cho cái sau và lấy cái kết quả trước để chia sẻ cho cái sau để anh em có sự tin tưởng trong quá trình thay đổi, từ đó giúp cho tiến trình thay đổi đạt được kết quả như mong muốn”. Về năng lực đội ngũ, theo ông Dũng cần rà soát thường xuyên sẽ phát hiện ra được những điểm nhân viên còn thiếu để hỗ trợ, đào tạo, tập huấn. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đến cấu trúc hoạt động, sự khác biệt giữa các thế hệ và các nhóm lao động. Đây là yếu tố cần hiểu để có các chính sách cho phù hợp nhất.
Gìn giữ và phát huy Không có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có bề dày 50 năm hoạt động như VFC. Để duy trì và phát triển một doanh nghiệp như thế, ông Dũng cho rằng chắc chắn các thế hệ lãnh đạo phải là những người xuất sắc, có tâm huyết, tầm nhìn, bản lĩnh, hy sinh. Đó là những giá trị mà thế hệ trước truyền lại và thế hệ sau phải gìn giữ, phát huy. “Giữ như thế nào, là giữ những cái gì cốt lõi, như những cái giá trị cốt lõi công ty mang lại thì mình phải lấy cái đó làm nền. Phát huy ở đây là dựa trên điều kiện thay đổi của thị trường, chính sách nhà nước để mình tận dụng tạo thành lợi thế của doanh nghiệp, để mình nắm bắt những cơ hội đó để phát huy, phát triển cho doanh nghiệp”, ông Dũng chia sẻ thêm. Ở VFC con người vẫn là yếu tố then chốt, khó có thể thay thế trong nhiều khâu, bởi bản thân VFC là đơn vị dịch vụ. Để giữ chân khách hàng, cần có sự trung thực, tận tụy trong dịch vụ cung cấp và chất lượng sản phẩm, đó chính là truyền thống đội ngũ VFC đã gìn giữ. Về điểm này, ông Dũng cho biết: “Do đặc tính của dịch vụ mình cung cấp là phải từ con người làm ra chứ không phải bằng công nghệ nên việc ứng dụng công nghệ là nằm ở chỗ giúp cho tiến trình kết nối với khách hàng được nhanh hơn. Còn công nghệ không thể thay thế được cái vai trò dịch vụ của mình”. Ngoài ra, khác với các mảng như tiêu dùng ứng dụng công nghệ là rất nhanh chóng, mảng vật tư nông nghiệp luôn gắn liền với những chính sách theo định hướng của nhà nước. Tiêu chí hàng đầu của công ty là nhanh chóng nắm bắt cơ hội và triển khai dự án. Để làm được như vậy, VFC phải xác định được độ trễ giữa chủ trương, chính sách của nhà nước và nhu cầu của thị trường.
Là thế hệ kế thừa, luôn tôn trọng và biết ơn các thế hệ đi trước đã cống hiến để tạo dựng công ty như ngày hôm nay, mong muốn của ông Dũng là những thế hệ tương lai cần ý thức được trách nhiệm và tiếp nối được thành công. “Đối với thế hệ trẻ, trách nhiệm của tôi là làm sao để cùng với ban lãnh đạo và các anh em quản lý chia sẻ những cái gì tốt đẹp nhất để củng cố nền tảng truyền thống, triển khai những ý tưởng, những định hướng mới để cùng anh em tiếp cận, áp dụng và vận hành nhằm góp phần phát triển công ty”, ông Dũng tâm sự.