BP - Trong các vai khác nhau, chúng tôi tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn thị xã Phước Long và 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng.
Cơ sở, doanh nghiệp nhỏ “đánh du kích”, làm ăn nhỏ lẻ, thậm chí chụp giật, làm ngày nào biết ngày đó, làm năm nào biết năm đó, lợi nhuận nhiều và càng nhanh càng tốt. Đơn giản là họ không biết đến ngày mai và không phải xây dựng thương hiệu, không phải đóng thuế, không phải chịu những quy định chặt chẽ về pháp luật môi trường... Chủ một doanh nghiệp lớn - một trong những người “làm điều” nhiều năm, giàu kinh nghiệm nhất ở Bù Gia Mập - phải “đau đầu” thốt lên: “100 doanh nghiệp lớn cũng không đánh bại được “đội quân du kích” này”.
Điều đó khiến sân chơi của các doanh nghiệp chân chính đang rất ngột ngạt và có những doanh nghiệp thuộc dạng hàng đầu trong tỉnh đã chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa hay đã “chết lâm sàng”.
BAO GIỜ CÓ SÂN CHƠI CHO DOANH NGHIỆP CHÂN CHÍNH?
Thị trường điều trong nước chưa có một hướng đi chung. Doanh nghiệp chưa cùng nhau phát triển vì một thương hiệu điều Việt Nam hay điều Bình Phước. Họ vì lợi nhuận nên quên đi chính mình là người quyết định làm nên chất lượng hạt điều và giữ được hay không thương hiệu hạt điều Bình Phước.
DOANH NGHIỆP LỚN RỦI RO CÀNG NHIỀU
Những người có thâm niên trong ngành điều luôn cho rằng, doanh nghiệp lớn kinh doanh trong ngành điều thường gặp rủi ro nhiều hơn so với những cơ sở nhỏ lẻ. Vì các doanh nghiệp, công ty lớn thường ký các hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn (nhập, xuất) nên rủi ro kèm theo rất cao. Những doanh nghiệp nhỏ lẻ chỉ cần nhập số lượng đảm bảo đủ cho xưởng hoạt động, nếu kinh doanh không có lời thì ngưng lại. Mặt khác, hiện nay các xưởng hạt điều tư nhân thành lập với quy mô vừa và nhỏ không phải nộp thuế. Còn các doanh nghiệp lớn phải đóng thuế và đáp ứng những quy định về môi trường, an toàn lao động...
Nhiều doanh nghiệp lớn đang rất mong có một sân chơi chân chính. Trong ảnh là khu chẻ vỏ tại cơ sở chế biến điều của ông Nguyễn Ngọc Thắng, ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng
Song song đó, xưởng tư nhân nhỏ lẻ thường có nhiều thuận lợi trong việc kinh doanh, vì họ có thể tận dụng được tất cả các nguồn lao động. Cụ thể, chủ một xưởng sản xuất nhỏ có thể đích thân thu mua hạt điều, tự chở, phơi và làm những công đoạn chế biến. Điều này dẫn tới các xưởng nhỏ lẻ có nhiều thuận lợi trong kinh doanh. Bởi xưởng nhỏ, lẻ thích là mở mà không cần phải đăng ký với chính quyền hay giấy phép kinh doanh. Đã thế, công ty, doanh nghiệp lớn làm với số lượng nguyên liệu lớn, không mua được trực tiếp mà phải qua nhiều đại lý khác nên chi phí sẽ cao hơn.
Chính sách hiện nay là doanh nghiệp nhập 500 tấn hạt thô thì phải xuất 100 tấn nhân. Doanh nghiệp nhập về để sơ chế, sau đó xuất khẩu, nếu đảm bảo đúng thời gian và số lượng thì sẽ không đánh thuế đối với trường hợp tạm nhập tái xuất. Ngược lại, không đáp ứng đủ số lượng trong thời gian quy định thì các doanh nghiệp phải nộp thuế 5%... Đối với những xưởng điều nhỏ lẻ, họ không phải quan tâm vấn đề này.
Ông Đoàn Tiến Dũng, giám đốc một công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu điều ở phường Long Phước, thị xã Phước Long cho biết: “Cái khó nhất đối với công ty, doanh nghiệp lớn hiện nay là phải cạnh tranh với những xưởng điều nhỏ lẻ. Công ty, doanh nghiệp lớn mong muốn nhất là có một quy định quản lý với xưởng điều tự phát hoặc buộc họ cũng phải nộp thuế để có một trật tự kinh doanh trong ngành điều”.
Ông Dũng cho biết thêm: “Các doanh nghiệp sau khi đầu tư máy móc hiện đại hơn, năng suất cao hơn, đỡ tốn nhân công hơn. Máy chẻ hạt điều mỗi năm mỗi cải tiến, hiện đại hơn. Tôi đầu tư máy năm 2014, năng suất hoạt động cho ra sản phẩm không bằng máy của năm nay. Một máy khi đó đầu tư 450-500 triệu đồng, đứng 7 công nhân. Mới làm 1 năm, không thể vứt đi để mua máy mới, nên vẫn sử dụng nhiều nhân công và chất lượng chẻ thua máy mới. Đây là bất lợi rất đáng kể của những doanh nghiệp lớn”.
“ĐỘI DU KÍCH” QUYẾT ĐỊNH THỊ TRƯỜNG ĐIỀU?
Ngành điều hiện hoạt động rất phức tạp, manh mún, mạnh ai nấy làm. Ai cũng có thể chế biến, sản xuất điều một cách tự phát, ảnh hưởng rất lớn đến những công ty làm ăn chân chính và uy tín ở Bình Phước.
Chủ một doanh nghiệp lớn ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long bức xúc nói: ““Đội quân du kích” đang quyết định giá điều”. Chủ doanh nghiệp này lý giải: Những điểm thu mua có tính chất gia đình gom điều tại vườn, rẫy đóng bao chở ra các vựa lớn để bán lấy lời. Họ thấy đủ lời thì nghỉ, chở bằng xe máy hoặc xe ba gác, ít tốn kém, không cần nhân công. Trong khi các doanh nghiệp lớn đi thu gom phải có xe chở, nhân công bốc vác, xăng dầu... 100 doanh nghiệp lớn cũng không thể đánh bại được “đội quân du kích” này. Chính họ đang quyết định giá điều trên thị trường. Sấy, phơi, bóc vỏ lụa... chồng làm vợ làm nhiệt tình và hiệu quả hơn là công nhân làm, vì họ làm cho chính họ.
“Hiện cơ sở sản xuất, chế biến của tôi vẫn bán hàng theo thị trường. Ai cao giá hơn thì bán. Tuy không trực tiếp xuất khẩu cho công ty nước ngoài, nhưng vẫn không sợ bị lỗ và có thể duy trì được một cách bình ổn”. Bà Phạm Thị Thanh Lương, chủ một sơ sở kinh doanh hạt điều ở thôn 4, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập |
Ông Đoàn Tiến Dũng cho biết thêm: Ở huyện Bù Gia Mập có cả trăm cơ sở, hộ gia đình kinh doanh, chồng làm, vợ làm, con làm... Bình Phước có rất nhiều công ty chế biến, xuất khẩu hạt điều. Từng được xếp vào hàng 5 hoặc 10 doanh nghiệp lớn nhất tỉnh, một thời vàng son, nay “chết hẳn”... Nhưng các cơ sở nhỏ vẫn “sống khỏe” vì họ “đánh du kích” làm ít - ăn ít, làm chắc - ăn chắc. Về quy trình sản xuất thì giống nhau, vấn đề quy mô thì lớn hay nhỏ mà thôi. Các gia đình cũng “xuống máy” - đầu tư máy móc, không làm thủ công - nên chính các đơn vị nhỏ lẻ này quyết định giá thị trường điều.
Việc mua bán không có trật tự đối với điều thô, điều nhân trắng (điều đã bóc vỏ lụa) cũng làm thị trường điều Bình Phước trở nên bát nháo. Mỗi ngày xe tải từ các nơi khác vẫn nối đuôi nhau đến thu mua nhân trắng tại Bình Phước và chỉ mua điều Bình Phước chính hiệu. Hạt điều bán không cần hóa đơn chứng từ. Điều Bình Phước được trộn với các loại điều vùng khác hoặc điều nhập khẩu. Khi đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thì trở thành thương hiệu của những doanh nghiệp mới. “Thuận mua vừa bán”, khi xuất khẩu ra nước ngoài thì ngoại tệ đem về và thuế xuất nhập khẩu thì đều dành cho những địa phương có doanh nghiệp đứng chân.
Hệ quả của những điều đó, có lẽ ai cũng thấy. Vấn đề là ngành chức năng có giải pháp gì?
NHÓM PV ĐIỀU TRA
Baobinhphuoc.com.vn
Bài 4: Chuyện sống còn của ngày mai