BP - Trong các vai khác nhau, chúng tôi tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn thị xã Phước Long và 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng.
Chủ một doanh nghiệp chế biến điều khá lớn ở thị xã Phước Long cho biết: Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trộn điều nhân của Bình Phước với điều của các địa phương khác hoặc nhập về từ nước ngoài với tỷ lệ 5-5, 4-6, 3-7 tùy theo chất lượng và đơn hàng. Và chỉ các cơ sở, doanh nghiệp lớn ở Phước Long mới trộn. Những cơ sở nhỏ ở Bù Đăng, Bù Gia Mập gần như không trộn mà thường bán điều nhân nguyên gốc.
Khi tới một cơ sở chế biến lớn ở xã Long Hà, chủ cơ sở này còn hướng dẫn chúng tôi cách trộn điều nhân: 1 tấn cần 2 nhân công để trộn trong 2 giờ. Điều trong bao, đổ xen kẽ mỗi loại mỗi bao, từ trên đỉnh xuống, sau đó hốt vào đóng bao lại là sẽ đều 2 loại với nhau.
NHỮNG “BÍ MẬT” CỦA DOANH NGHIỆP
Trong thế giới của những doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt điều, có hàng trăm câu chuyện được xem là bí mật không bao giờ tiết lộ cho đồng nghiệp, đối thủ, đối tác và hiếm khi họ “vạch áo” cho người ngoài cuộc “xem lưng”, mặc dù những bí mật ấy ai bước chân vào kinh doanh… cũng biết. Đó là những chiêu trò “mượn đầu heo nấu cháo”, “đấu đầu, đấu cuối”, “kinh doanh trên uy tín ảo”... Hậu quả là những hạt điều không chỉ bị “xoay chóng mặt” mà còn tạo nên những cơn sóng ngầm có thể khiến thị trường trở nên chao đảo.
MỘT HẠT ĐIỀU, QUÁ NHIỀU “TRÒ ẢO THUẬT”
Quay lại 7 năm về trước, đó là thời kỳ đen tối của hạt điều vì chính người dân, cơ sở thu mua nhỏ vì lợi nhuận đã trộn lẫn các tạp chất xi măng, trái điều giã nát, vặt chừa cuống nhiều... để tăng trọng lượng. Câu chuyện này đã trở nên “xưa rồi diễm” khi có những trò gian lận mới tinh vi hơn, khó bị phát hiện hơn và hiệu quả hơn.
Danh tiếng điều Bình Phước thơm ngon đang ngày một giảm đi vì bị trộn với điều nhập khẩu.
Trong ảnh là một cơ sở ở phường Long Phước thu gom điều phơi khô để tích trữ chẻ trong cả năm
Thời gian gần đây, rất nhiều nông dân và đại lý buôn bán hạt điều xem chất bột nở chuyên làm bánh mì trở thành “thần dược”. Chỉ cần 1kg bột nở rắc trộn vào đống hạt điều, qua một đêm có thể làm tăng 100kg điều/1 tấn. Vỏ căng ra, sáng và đẹp, làm cho doanh nghiệp nếu mua phải loại điều này sẽ lỗ rất lớn. Vì khi phơi, điều sẽ trở lại trạng thái ban đầu.
Với các đại lý, cơ sở thu mua để phơi, tích trữ rồi bán lại cho các cơ sở, doanh nghiệp chẻ điều, lại có mánh khóe rất đơn giản nhưng tinh vi, khó phát hiện. Đó là “đấu đầu, đấu cuối” - lấy hàng xấu cuối vụ năm nay phơi cất để đến đầu vụ năm sau trộn vào với điều đầu mùa và bán. Nếu doanh nghiệp mua phải lô hàng này cầm chắc lỗ vì tỷ lệ nhân thấp. “Hậu quả cuối cùng là doanh nghiệp lớn chẻ điều gánh hết. Vì khi thu mua số lượng lớn không thể kiểm tra hết” - chủ một doanh nghiệp chế biến xuất nhập khẩu hạt điều ở thôn 5, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập cho biết.
Tuy nhiên, những chiêu trò gian lận đó chưa gây tác hại lớn và làm giảm uy tín của thương hiệu điều Việt Nam, điều Bình Phước như cách gian lận mà các cơ sở lớn, doanh nghiệp lớn áp dụng trong những năm gần đây. Đó là trò “đánh lận con đen” giữa điều Bình Phước với điều các địa phương khác, đặc biệt là với điều nhập về từ châu Phi và Đông Nam Á.
DANH TIẾNG ĐIỀU BÌNH PHƯỚC ĐANG BỊ TRỤC LỢI
Như trong bài viết trước đã đề cập, Vinacas thống kê những năm qua điều nhập từ nước ngoài về Bình Phước khoảng 200 ngàn tấn/năm, gấp khoảng 1,34 lần tổng sản lượng điều của nông dân Bình Phước trồng được. Thực tế, đối với “người trong nghề”, điều nhập khẩu hay điều Bình Phước không thể nào nhầm lẫn được.
Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ một cơ sở thu mua, chẻ hạt điều ở phường Long Phước, thị xã Phước Long cho biết: “Điều nhập về sạch sẽ hơn, hạt lớn hơn, nhưng nhân không trắng như điều ở Bình Phước và hàm lượng chất dinh dưỡng thì thua xa. Khi đã phơi khô, màu hạt điều nhập khẩu và điều trong nước nhìn mắt thường cũng thấy khác nhau. Sau khi chẻ, điều nhân nhập khẩu cũng không trắng như điều trong nước, đặc biệt là điều Bình Phước. Tuy nhiên, vì lợi nhuận hoặc vì không thể “một gậy chống trời” một mình làm một kiểu nên gần như tất cả cơ sở, doanh nghiệp vẫn chấp nhận trộn điều nhập khẩu với điều Bình Phước”.
Một vấn đề nữa là hạt điều Bình Phước vốn có danh tiếng chất lượng cao nhất thế giới và giá thu mua cũng cao hơn. Vì thế, không chỉ điều nhập khẩu từ nước ngoài, mà vào mùa thu hoạch, điều ở các địa phương khác cũng được vận chuyển ngược về Bình Phước, thậm chí đưa vào tận vùng sâu ở Bù Gia Mập, Bù Đăng để lấy tiếng là điều Bình Phước, rồi lại vận chuyển ngược trở ra các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến ở Phước Bình hoặc đem về những công ty lớn ở Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu...
Chính “mẹ đẻ” của thương hiệu điều Bình Phước vì lợi ích cá nhân, mà còn dùng nhiều “chiêu trò” với “con ruột” của mình. Điều này không chỉ đẩy thương hiệu điều Bình Phước đi xuống mà chính các doanh nghiệp điều Bình Phước cũng nghi ngờ sản phẩm trên địa bàn của mình. Trước tình hình đó, lợi dụng sự rời rạc trong hệ thống ngành điều Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài muốn có được hạt điều chất lượng của Bình Phước và đẩy đi điều kém chất lượng của mình đã dùng chiêu “ve sầu lột xác” rất hiệu quả.
SÓNG NGẦM TRONG THỊ TRƯỜNG
Những bí mật đó cũng chưa nói lên hết thế giới ngầm của ngành điều ở Bình Phước. Minh chứng cho vấn đề này, phía sau con số mỗi năm có hàng trăm cơ sở chế biến điều lớn nhỏ được thành lập và cũng có chừng đó cơ sở, doanh nghiệp điều phá sản trên địa bàn tỉnh, còn có một câu chuyện ít khi được đề cập tới. Và nó nguy hiểm hơn khi trò “mượn đầu heo nấu cháo” đang trở thành “mốt” làm ăn của nhiều kẻ bất lương.
Thường trong khoảng 1 tháng cao điểm mùa thu hoạch điều, thị trường nước ngoài tăng giá điều nhân lên rất cao, đồng thời hạ giá điều hạt xuất vào thị trường Việt Nam. Hành động này khiến doanh nghiệp trong nước nhanh chóng bán điều hạt chất lượng cao của mình để kiếm lời, đồng thời nhập khẩu điều chất lượng thấp về để bù đắp vào lượng hàng đã xuất đi. Khi mua đủ khối lượng và nhận định điều nhân chất lượng cao của Việt Nam đã cạn, doanh nghiệp nước ngoài dừng thu mua. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam chạy theo lợi nhuận đã bán hết điều trong nước chất lượng cao. Trong khi đó, điều nước ngoài nhập về Việt Nam chất lượng thấp, phải xuất đi với giá rất thấp. Nhiều doanh nghiệp “mắc bẫy” trò chơi này và phải “ôm hận”. Tại thời điểm này (đầu tháng 6-2015), nước ngoài không thu mua điều hàng nhân của Việt Nam. Giá điều nhân trắng giảm 7.000 đồng/kg, còn 147 ngàn đồng/kg so với tháng 5-2015. Chị Phạm Thị Bích Bông, chủ một doanh nghiệp điều ở xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập |
Chị Vũ Thị Huệ, chủ một cơ sở thu mua, chẻ hạt điều ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long cho biết: Chỉ cần đầu tư 500 triệu đồng thì đã có thể mở một nhà kho và thuê một vài công nhân... Sau đó đi thu gom hạt điều thô với giá cao hơn giá thị trường một chút. Theo cách thu gom thông thường, khi đã biết nhân thân rõ ràng, cùng là người trong phường, trong thị xã... các bạn hàng thường trả tiền gối đầu lô hàng sau mới trả tiền lô hàng trước. Sau đó họ sẽ bán điều cho doanh nghiệp lớn hoặc cho một cơ sở khác với giá thấp hơn giá thị trường với điều kiện lấy đủ tiền liền. Vì thế, có trường hợp một xe điều, sau khi qua tay một số cơ sở, lại về “chính chủ” - trực tiếp thu mua từ đại lý. Sau một hồi xoay cho những hạt điều “chóng mặt”, dường như ai cũng có lời nhưng do làm ăn phải giữ bí mật nên không ai trong guồng quay biết điều đó! Khi tạo được niềm tin, hàng gối đầu đẩy lên ngày một nhiều hơn, lượng tiền gối đầu nhiều hơn thì đến “hụi chót” - thường diễn ra trong 1-2 ngày cuối cùng, được mua với giá cao và bán ra giá thấp đến bất ngờ so với giá thị trường. Những bạn hàng cuối cùng hoặc trường hợp cho nợ gối đầu nhiều sẽ là người “lãnh đủ”. Kéo theo đó là hàng loạt chân rết và bạn hàng trong hệ thống thu mua của những nạn nhân cũng “ôm hận” theo.
Vấn đề đáng nói là năm nào cũng có nhiều vụ “bể” nợ lớn hàng chục tỷ đồng như vậy, nhưng chưa có vụ nào được khởi tố hoặc can thiệp mạnh tay của chính quyền. Những kẻ bất lương lợi dụng kẽ hở của pháp luật, chỉ cần không bỏ trốn khỏi địa phương thì không bị xem là lừa đảo, mà chỉ do kinh doanh kém rồi thua lỗ, phá sản. Tài sản gom được, trước khi tuyên bố vỡ nợ đã được sang tên cho người thân mở cơ sở khác, đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác... Nạn nhân của trò “mượn đầu heo nấu cháo”, một số còng lưng làm trả nợ, một số lại đi lừa gạt bạn hàng, đại lý cấp thấp hơn.
Điều này dẫn tới sự bát nháo trên thị trường và những trò gian lận ngày một nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp lớn làm ăn chân chính, tới nông dân trồng điều mà còn tác động mạnh đến uy tín, thương hiệu hạt điều Bình Phước, hạt điều Việt Nam.
Nhóm PV điều tra
baobinhphuoc.com.vn
Bài 3: Bao giờ có sân chơi cho doanh nghiệp chân chính?