BP - Trong các vai khác nhau, chúng tôi tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn thị xã Phước Long và 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng. Những bí mật trong nghề, những chiêu trò của doanh nghiệp, cơ sở thu mua đã hé mở... Và cả những cơn sóng ngầm có thể làm sụp đổ ngành điều không phải là vấn đề xa lạ với chính người trong cuộc.
CHỢ ĐIỀU CỦA THẾ GIỚI
Việt Nam là nước xuất khẩu nhân hạt điều lớn nhất thế giới. Bình Phước là tỉnh trồng và chế biến điều lớn nhất cả nước. Và chúng tôi về Phước Bình - thủ phủ ngành điều Bình Phước - để tìm hiểu thực hư chuyện “người người làm điều, nhà nhà làm điều” và những câu chuyện về “chợ điều của thế giới” - một mỹ từ, một chút gì đó ẩn chứa sự tự hào đã được hình thành từ vài năm gần đây đối với người dân thị xã Phước Long.
Phước Bình là tên gọi quen thuộc vẫn được người dân sử dụng để chỉ vùng thị trấn Phước Bình cũ, nay là khu vực trung tâm của hai phường Phước Bình và Long Phước, thị xã Phước Long. Phước Bình vốn là trung tâm buôn bán sầm uất nhất trên địa bàn tỉnh. Người dân Phước Bình dường như mê buôn bán hơn các nơi khác. Thế nên, không lấy làm lạ khi Phước Bình cũng là trung tâm mua bán, chế biến hạt điều lớn nhất trong toàn tỉnh từ trước đến nay. Không chỉ đại lý thu mua, cơ sở bóc tách ở các huyện xuôi tuyến giao thông như Bù Đốp, Bù Gia Mập, mà cả những huyện ngược tuyến về Sài Gòn như Bù Đăng, Đồng Phú cũng vận chuyển tập kết về Phước Bình. Và khoảng 5 năm trở lại đây, không hề phóng đại nếu nói rằng Phước Bình đã trở thành xưởng điều của thế giới. Nếu ai không tin điều đó, xin hãy xem những số liệu sẽ rõ.
QUÁN TRÀ SỮA VÀ CHUYỆN KINH DOANH CỦA NGƯỜI PHƯỚC BÌNH
Nhiều năm qua, từ sau tết Nguyên đán đến khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, Phước Bình luôn nhộn nhịp hơn hẳn so với những tháng khác trong năm. Ở Phước Bình, chuyện về hạt điều và những gì liên quan đến hạt điều là đề tài ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách, từ quán cà phê đến góc bếp, bữa cơm của mỗi gia đình.
Một góc trung tâm Phước Bình - nơi được xem là chợ điều của thế giới những năm gần đây - Ảnh:Sỹ Hòa
Tại trung tâm thương mại Phước Bình - nơi neo đậu quen thuộc của nhiều tài xế, xe tải, từ mờ sáng đến nửa đêm, khắp các ngả đường, xe tải đủ loại, từ 5 tạ, 1 tấn, 3 tấn đến các xe hạng nặng 20 tấn, 30 tấn nối đuôi nhau trong khu vực bán kính khoảng 5km tính từ ngã ba Phước Bình - đi ba hướng Bù Đốp, Phước Long, Đồng Xoài. Hai bên đường ĐT741 và đường xương cá, rẽ vào lối nào cũng dày đặc điểm bốc điều lên xe hoặc xuống xe với 5-10 thanh niên lực lưỡng. Trong khoảng 3-4 tháng giữa mùa khô, dường như không còn khoảng đất trống nào ở Phước Bình không được tận dụng làm nơi phơi hạt điều. Nhiều nhà không đủ diện tích, nhưng hàng dồn về, phải phơi tràn ra cả lề đường, vỉa hè.
Huỳnh Công Sự, 28 tuổi, cho biết: “Em quê ở Tiền Giang. 5 năm trước, một lần đến chơi với bạn làm bốc vác thuê cho các xưởng điều, em cũng xin vào làm. Từ đó đến nay, năm nào em cũng đến đây đi phơi điều thuê khoảng 4 tháng. Hết mùa về lại Tiền Giang, đến mùa lại bắt xe lên đây”. Ở Phước Bình, có hàng ngàn trường hợp như Sự và tham gia vào các khâu phơi, chẻ, bóc vỏ lụa, phân loại, kiểm phẩm, bốc vác...
Đoạn đường ĐT741 khu vực giáp ranh giữa phường Long Phước, thị xã Phước Long với xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập, khoảng 500m cả hai bên đều không có nhà dân, chỉ vườn cây và đất trống. Giữa cái nắng gay gắt, đoạn đường vắng vẻ này lại có một quán cóc ven đường. Gọi là quán, nhưng chỉ có một chiếc dù và chiếc xe đẩy bán trà sữa của hai “ông bà chủ” còn rất trẻ, khoảng 20 tuổi. Thoáng qua thì thấy không bình thường bởi không ai đi đường lại dừng lại nơi nắng nóng đó để uống trà sữa! Và chúng tôi cũng nhận được những ánh mắt đầy bất ngờ của chủ quán, khi dừng xe máy “vào quán uống nước”. Thế nhưng, hóa ra cái quán đó mọc lên lại rất bình thường và cho thấy sự nhanh nhạy trong “tư duy kinh doanh” của hai bạn trẻ. Bởi lẽ, mặc dù không có nhà dân, nhưng bên kia đường là một địa chỉ mà gần như người dân Phước Bình nào cũng biết: Cây xăng Linh Hương (tên treo trên bảng “Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại Linh Hương, địa chỉ thôn Phước Hòa, xã Bình Tân).
Cùng khuôn viên với cây xăng là khoảng sân bê tông chừng 10.000m2 - nơi tập kết xe container chở điều nhập khẩu xuống hàng, xe tải lớn nhỏ vận chuyển đến và đi, sân phơi, nhà kho, cân xe tải và hàng chục lao động, tài xế luôn tấp nập suốt mùa điều... Đây là một trong những điểm tập kết, trung chuyển điều lớn nhất đến các các cơ sở, doanh nghiệp ở Phước Bình. Linh Hương cũng là tên một trong những doanh nghiệp buôn bán, sơ chế lớn nhất ở Phước Bình, với lượng điều thô vào ra mỗi ngày hàng trăm tấn.
Khi ly trà sữa trên tay vẫn còn một nửa, chúng tôi đã hiểu vì sao chỉ có một cây dù và một chiếc xe đẩy, mà cần đến 2 thanh niên bán trà sữa ở đây.
NHÀ NHÀ LÀM ĐIỀU
Cuối tháng 5, giao mùa. Mới 4 giờ chiều, anh Nguyễn Văn Chín, 50 tuổi, chủ một cơ sở thu mua và bóc tách vỏ điều ở phường Long Phước đã cùng những người làm công thu dọn, đóng bao gần 5 tấn điều. Không có sân bãi riêng, cũng như nhiều năm trước, năm nay anh Chín vẫn phơi điều ở sân bay - cách nói quen thuộc của người dân vẫn chưa dứt được bởi trung tâm hành chính mới thị xã Phước Long mới chỉ đang hình thành
Ở Phước Bình, người dân, doanh nghiệp đều “ăn, ngủ” với điều, nói chuyện về điều. Trong ảnh là một nông dân đem số điều cuối vụ thu được đem bán cho đại lý ở Phước Long
Anh Chín cho biết, năm nay cơ sở của gia đình chẻ khoảng 200 tấn. Anh thường thu mua từ các đại lý và đều là đại lý gom điều của nông dân Bình Phước. Chỉ khi gom điều của đại lý không đủ để sản xuất trong cả năm, anh Chín mới mua điều nhập về từ nước ngoài. Sau khi thu mua, phải phơi đủ 3-4 nắng, tùy từng trường hợp cụ thể. Phơi xong, về phân loại cồ, trung, nhỏ. Một số trường hợp phơi khô, phân loại xong thì bán cho cơ sở bóc tách. Một số khác đưa vào kho để chẻ trong cả năm hoặc tích trữ chờ giá cao. Hơn chục năm qua, mỗi khi máy chẻ hạt điều được nâng cấp, cơ sở của anh Chín cũng nâng cấp theo. Song song với đó là lượng lao động cũng giảm đi. Theo anh Chín, nếu làm ăn chân chính, không mạo hiểm hay quá tham, thì những cơ sở nho nhỏ như của gia đình anh khó có thể thua lỗ, không lời nhiều, mỗi năm chỉ kiếm được... hai, ba tỷ đồng mà thôi.
10 NGÀN CONTAINER LÀ BAO NHIÊU...?
Thống kê của Vinacas, bình quân 5 năm qua mỗi năm nông dân Bình Phước thu hoạch được khoảng 150 ngàn tấn hạt điều thô trong tổng số khoảng 500 ngàn tấn cả nước. Năm 2014, bên cạnh nguồn nguyên liệu trong tỉnh, các doanh nghiệp của Bình Phước nhập khẩu khoảng 200 ngàn tấn hạt điều thô về chế biến, trong tổng số 700 ngàn tấn cả nước nhập khẩu từ nước ngoài. Những số liệu này cho thấy, Bình Phước chiếm khoảng 30% sản lượng hạt điều trồng được trong cả nước và cũng chiếm 30% sản lượng nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Hầu hết điều nhập khẩu vào Bình Phước đều tập trung về Phước Bình để tách hạt lấy nhân, bóc vỏ lụa. |
Ngoài hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hiếm nơi nào trên đất nước Việt Nam có mật độ cơ sở sản xuất, chế biến nhiều như ở Phước Bình. Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng từ số liệu tổng thể toàn tỉnh cho thấy mỗi năm các cơ sở, doanh nghiệp và người lao động hai phường Phước Bình, Long Phước “ngốn” xấp xỉ 300 ngàn tấn hạt điều thô, tương đương khoảng ¼ cả nước. Nếu mỗi container 30 tấn hạt điều thô, thì phải cần 10 ngàn container mới chứa hết số hạt điều này. Chỉ riêng khâu chẻ lấy hạt và bóc vỏ lụa, cho dù huy động toàn bộ người trong độ tuổi lao động ở Phước Bình cũng không làm xuể. Dĩ nhiên điều đó không xảy ra. Bởi thứ nhất là hàng ngàn lao động mọi nơi tập trung về đây. Thứ hai là mỗi năm công đoạn bóc tách và bóc vỏ lụa đều được cải tiến nhằm giảm bớt nhân công. Đặc biệt là khi máy chẻ hạt điều ứng dụng thành công và không ngừng cải tiến để đến nay không những chẻ được với tốc độ bằng cả chục công nhân mà chất lượng chẻ còn tốt hơn, ít bị bể hơn so với chẻ thủ công. Đây là một trong những lý do chính khiến Phước Bình có thể nhập và sơ chế hạt điều thô được với khối lượng lớn như vậy.
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tầm cỡ đầu mối, ở Phước Bình có hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế hạt điều như của gia đình anh Chín với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Mặc dù không trồng một cây điều nào, nhưng họ đang là bộ phận đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành điều nước ta, thậm chí có thể quyết định đến giá cả chợ điều của thế giới. Ở Phước Bình, mọi ngóc ngách, từ quán cà phê đến góc bếp, bữa cơm của mỗi gia đình đều nói chuyện làm điều. Ở Phước Bình, “người người làm điều, nhà nhà làm điều”. Và ở Phước Bình, ai cũng có thể trở thành đại gia và ai cũng có thể phá sản chỉ sau một đêm.
(Còn tiếp)
Bài 2: Những “bí mật” của doanh nghiệp
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn