Thế giới ngầm và sự sống còn của ngành điều Bình Phước (Bài cuối)
Chất lượng hạt điều Bình Phước “số 1 thế giới” - đó là điều không cần phải bàn cãi.
Ngành điều, năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số các mặt hàng nông sản nước ta đem ngoại tệ về cho đất nước... Nhưng, buồn thay, cây điều, hạt điều Bình Phước nói riêng và ngành điều nước ta nói chung, lại bị đối xử rất lạnh lùng. Sự lạnh lùng ấy đang khiến cho những vấn đề mang tính sống còn của ngành điều trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.
CHUYỆN SỐNG CÒN CỦA NGÀY MAI
Với thực trạng hiện nay không chỉ ở Bình Phước mà trên phạm vi cả nước, có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành điều. Đó là quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh; cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; mở rộng thị trường; bảo vệ công nghệ; chế biến chuyên sâu những sản phẩm từ cây điều… Trong bài viết này, chúng tôi nêu lên một vấn đề rất bức thiết và có cả bức xúc từ chính những người trong cuộc, như nông dân trồng điều, đại lý thu mua, cơ sở chế biến, doanh nghiệp, nhà quản lý: xây dựng thương hiệu.
Trong số báo trước chúng tôi đã phản ánh ý kiến của chủ một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ về vấn đề vai trò của họ tác động đến giá hạt điều mỗi năm. Những ý kiến đó cho thấy dường như các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở vẫn chỉ đặt lợi ích của chính mình lên trên hết mà không màng đến uy tín, thương hiệu hạt điều Bình Phước, hạt điều Việt Nam - vấn đề sống còn trong tương lai như thế nào.
“ĐIỀU TA, ĐIỀU TÂY” RỦ NHAU “XUẤT NGOẠI”
Việt Nam 9 năm liền là nước xuất khẩu hạt điều nhân lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để đem lại kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD trong năm 2014, ngành điều phải nhập khẩu 700.000 tấn điều thô từ các nước trong tổng số 1,2 triệu tấn nguyên liệu toàn ngành. Như vậy, chỉ có 500.000 tấn điều thô trong nước. Con số này cho thấy, sản phẩm thực sự (đồng nghĩa với giá trị nguyên gốc) của ngành điều chỉ chiếm một phần trong số kim ngạch xuất khẩu.
Nông dân, đại lý, doanh nghiệp, ai cũng cho rằng làm cho thương hiệu hạt điều Bình Phước giảm uy tín là do tất cả mọi người, “ngoại trừ mình tôi”. Trong ảnh là phơi hạt điều của một đại lý ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú
Đối với Bình Phước, cả diện tích trồng, sản lượng thu hoạch được và khối lượng nhập khẩu về, đều chiếm khoảng 30% cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong số 2,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2014, mặc dù các doanh nghiệp Bình Phước đã có nhiều cố gắng nhưng chỉ chiếm 179 triệu USD, xấp xỉ 8,137% cả nước. Đây là con số rất đáng buồn cho giới doanh nghiệp điều và là vấn đề rất đáng suy nghĩ đối với các nhà quản lý vĩ mô.
Như đã phản ánh trong các số báo trước, thực trạng hiện nay hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sơ chế đều trộn điều nhân Bình Phước với điều nhân các vùng khác và với điều nhập khẩu từ nước ngoài về. Tỷ lệ trộn có thể là điều trong nước 40%, điều nhập khẩu 60% hoặc 50%-50%, hoặc 60%-40%, 70%-30%... tùy theo giá cả và đơn đặt hàng. Vấn đề đặt ra là: Như vậy chất lượng hạt điều - thương hiệu hạt điều Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung đang được hòa vào chất lượng hạt điều các vùng khác và các nước khác trên thế giới.
Khi được hỏi về cảm thấy thế nào đối với thương hiệu điều Việt Nam, điều Bình Phước, tất cả các chủ doanh nghiệp đều thừa nhận đại ý “rất lấy làm tiếc”! Bởi lẽ, chính họ đang hàng ngày phải chẻ điều nhập khẩu và phần lớn trong số đó mỗi ngày đều trộn “điều ta, điều tây” vào với nhau để “gồng gánh” cùng “xuất ngoại”.
“TRỪ MÌNH TÔI”
Ông Phạm Hùng Chiến có 110 ha điều ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Ông được nhiều người gọi là “Vua điều” không chỉ vì có diện tích trồng lớn mà còn là người rất tâm huyết với cây điều. Ông từng đem đất đi đến các viện nghiên cứu kiểm tra xem thiếu, thừa chất gì để bổ sung; nuôi chim sẻ trong vườn để bắt sâu cho điều; nuôi kiến vàng trong vườn điều... 20 năm, ông làm mọi cách để tìm ra phương án tốt nhất cho vườn điều của mình. Ông cũng rất cởi mở với các phóng viên nhằm tuyên truyền về cách làm vườn điều sao cho năng suất cao. Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề về chuyện xây dựng thương hiệu hạt điều thì ông thẳng thắn từ chối và hẹn... đến năm 2018 gặp lại, bởi chuyện này với ông “biết rồi...”.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước đến tham quan dây chuyền phân loại và chẻ hạt điều ở cơ sở chế biến điều của ông Nguyễn Ngọc Thắng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng
Cũng vấn đề về thương hiệu, tất cả nông dân trồng điều ở Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Đồng Phú... đều khẳng định như đinh đóng cột rằng, có một vài trường hợp ăn gian vặt cuống không sạch do trái điều chín rục hoặc để lâu ngày mới vặt, nhưng họ và hầu hết nông dân không làm điều đó. Bởi lẽ, hạt điều tươi của họ bán trực tiếp cho đại lý thu gom nhỏ lẻ. Và chỉ có đại lý lừa nông dân chứ chẳng bao giờ nông dân nào lừa được đại lý.
Trong khi đó, các đại lý lại cho rằng, họ không thể nào lừa được các cơ sở thu mua, chế biến. Nếu có thì chỉ lừa được một xe hàng, chứ không thể nào có xe thứ hai. Như thế, coi như bỏ nghề luôn.
Thực tế, có lẽ ai cũng thấy hạt điều Bình Phước đang bị hòa vào dòng chảy sơ chế, sản xuất, chế biến chung với điều của các tỉnh, thành khác và điều của các nước trên thế giới. Nhưng cũng có một thực tế khác, là hành động này có phải hành động gian lận thương mại hay không và vì sao trong nhiều năm qua cơ quan chức năng không bắt được trường hợp gian lận nào liên quan đến ngành điều? Việc này không chỉ tác động đến môi trường kinh doanh lành mạnh mà có tác động đến việc gìn giữ, bảo vệ thương hiệu điều Bình Phước, hạt điều Việt Nam. Những vấn đề đó xin được dành cho cơ quan chức năng và Hiệp hội Điều Việt Nam!
KHI NÀO NGÀNH ĐIỀU MỚI ĐƯỢC ĐỐI XỬ “ẤM ÁP”?
Năm 2014, ngành điều vào nhóm ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng sau 3 mặt hàng lúa gạo, cao su, cà phê và đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lịch sử 2,2 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2013. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 306.000 tấn điều nhân, tăng 17,4% so với năm 2013.
Chất lượng hạt điều tỉnh Bình Phước tốt hơn hẳn điều ở những tỉnh khác trong nước. Chất lượng hạt điều Việt Nam cũng tốt hơn hẳn so với các nước khác. Điều này đã được thừa nhận từ nhiều năm qua. Hạt điều Bình Phước trung bình 180 hạt/kg và thu được 3-3,2 lạng nhân/kg điều thô; các địa phương khác lên tới 250 hạt/kg, thu được khoảng 2,2-2,7 lạng nhân/kg điều thô. Điều nước ngoài nhập về hạt có loại lớn, có loại nhỏ nhưng khi phân loại hàng xấu (B, C) chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với điều trong nước. Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ xưởng điều Phượng Quang, thôn 12, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập |
Hiện nay, hạt điều của Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới. Mỹ là thị trường lớn nhất với 30%, các nước châu Âu 25%, Trung Quốc 20%...
Năm 2015, kế hoạch ngành điều Việt Nam xuất khẩu 350.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD.
Chiều 12-6-2015, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: “Nhiều năm qua các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập hạt điều, đậu tương, ngô và muối của nước ngoài với một số lượng lớn để làm nguyên liệu sản xuất. Đây là những sản phẩm lẽ ra nông dân Việt Nam có thể đáp ứng được nếu có cây giống tốt, quy trình công nghệ sản xuất và canh tác hợp lý, hiệu quả… Tôi xin hỏi Bộ trưởng, ngành khoa học, công nghệ đã có chương trình khoa học, công nghệ nào nghiên cứu về cây điều, cây đậu tương, cây ngô, quy trình sản xuất muối và đã có kết quả nào khả quan, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ?”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận Việt Nam vẫn phải nhập các sản phẩm nông nghiệp chúng ta đang có thế mạnh. Ông cũng cho biết, điều, ngô, đậu tương chưa phải là sản phẩm quốc gia; thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị bổ sung thêm một số sản phẩm khác để đầu tư, nâng cao giá trị, thay thế sản phẩm nhập khẩu.
Những lý giải của nhà quản lý ở tầm vĩ mô, có lẽ sẽ khiến người nông dân Bình Phước xót xa lắm. Bởi lẽ dù là mặt hàng nông sản xếp thứ 4 đem ngoại tệ về cho nước ta, nhưng khó có thể tin được cây điều lại bị đối xử “lạnh lùng” đến thế.
NHÓM PV ĐIỀU TRA
Nguồn: Báo Bình Phước OL