Ông Shane cho biết: Công nghệ GMO giúp chúng ta có thể lựa chọn đặc tính nổi trội của gen để đưa vào cây ngô thay vì sử dụng phương pháp lai tạo truyền thống, phải mất rất nhiều thời gian mà các tính trạng vẫn bị pha trộn không rõ ràng. Bằng công nghệ này chúng ta tạo ra các giống ngô có khả năng chịu hạn, tự kháng bệnh, kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ…
Tại Việt Nam, đã có 4 vùng trồng khảo nghiệm cây ngô áp dụng công nghệ GMO là Sơn La, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đăk Lăk. Kết quả cho thấy nhờ cây trồng được cấy gen bảo vệ kháng sâu đục thân nên năng suất bình quân tăng 24%. Cho thấy lợi ích mà người nông dân được hưởng từ công nghệ GMO chính là năng suất cây trồng, là hiệu quả kinh tế.
Trong các mô hình trồng khảo nghiệm ngô GMO tại Việt Nam, Syngenta có so sánh mức độ tăng, giảm các loại thuốc bảo vệ thực vật để đánh giá tác động môi trường?
Kĩ thuật canh tác ngô của người nông dân VN còn kém, họ rất ít khi quan tâm sử dụng các loại thuốc BVTV trên cây ngô nên hiệu quả của việc giảm thuốc BVTV trên nương ngô không rõ ràng. Tuy nhiên, hiệu quả giảm thuốc trừ sâu trên thế giới là khá rõ. Bởi công nghệ GMO tức là đưa các gen kháng sâu vào cây trồng, nếu sâu ăn phải sẽ chết. Điều đó giúp chúng ta kiểm soát sâu bệnh tốt hơn, tăng năng suất cây trồng mà không phải lệ thuộc vào thuốc trừ sâu.
Một số nhà khoa học cho rằng cây trồng GMO chỉ cho năng suất tối ưu vào 4 - 5 năm đầu nhưng sau này sẽ thoái hóa, cây sẽ không cho năng suất tốt như trước nữa?
Vì công nghệ GMO là đưa gen kháng sâu vào cây trồng nên nếu xảy ra hiện tượng gen kháng không còn hiệu quả thì có thể hiểu nhờ khả năng “thích ứng” sâu bệnh đã tự vô hiệu hóa gen kháng đó. Trường hợp này có thể xảy ra nhưng để khắc phục chúng tôi sử dụng tổng hợp hai gen kháng sâu trong một giống. Sâu có thể tự thích ứng với gen này nhưng sẽ bị tiêu diệt bởi gen kia vì vô cùng khó để thích ứng với hai gen một lúc.
Bộ NN-PTNT đã công nhận tạm thời một số giống bắp GMO đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi nhưng sản phẩm GMO vẫn tuyệt đối không được phép dùng trực tiếp cho người. Nhiều nước trên thế giới cũng có quy định sản phẩm GMO phải được ghi rõ nguồn gốc trên nhãn mác, bao bì của sản phẩm cho thấy thế giới vẫn đang còn nhiều e ngại khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc cây trồng GMO?
Theo tôi, quy định của các nước buộc ghi nguồn gốc có sử dụng GMO là để cho người tiêu dùng có sự lựa chọn. Trên thực tế, công nghệ GMO đã xuất hiện được 16 năm. Cho đến nay trên thế giới đã có 160 triệu ha cây trồng mang công nghệ GMO nhưng chưa ai đưa ra được dẫn chứng nào để chứng minh cây trồng GMO gây hại.
Điều duy nhất có thể ghi nhận từ công nghệ GMO là hàng tỉ USD mang lại từ việc tăng năng suất cây trồng. Hàng triệu người nông dân trên thế giới đang có cơ hội hưởng lợi, nông dân Việt Nam đang có cơ hội tăng năng suất cây trồng, Việt Nam có cơ hội đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngô trong nước… Tại sao chúng ta cứ phải băn khoăn vì một việc chưa gây hại?
Ông khẳng định công nghệ GMO sẽ đem lại lợi ích cho nông dân Việt Nam. Nhưng làm sao có thể tin chắc rằng thị trường thế giới sẽ chấp nhận các sản phẩm gạo, ngô GMO của Việt Nam?
Việc nhập khẩu hay xuất khẩu các sản phẩm GMO vào các nước được quy định rất chặt chẽ. Ví dụ, chúng tôi đăng kí giống ngô BT 11 với công nghệ gen GMO nào tại Việt Nam thì chỉ được nhập khẩu đúng sản phẩm công nghệ đó.
Ở đây, chúng ta không bàn tới công nghệ GMO trên gạo vì đây là sản phẩm dùng trực tiếp cho người. Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đều không sử dụng công nghệ này trên gạo. Còn đối với cây ngô, tôi nghĩ Việt Nam có áp dụng công nghệ GMO cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm bớt nhập khẩu chứ chưa thể nói đến chuyện xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: báo NNVN ngày 14/01/2012)