Ông Tuyến có 3,7 ha bắp, đang được Cty Syngenta hướng dẫn trồng bắp khảo nghiệm trên 2 ha, khoảng 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Giống bắp của Syngenta phát triển mạnh, lên đều, kể cả nếu không phun thuốc bệnh và chỉ cần bỏ phân thì cây bắp vẫn lên đều.
Ở vùng này cây bắp thường bị bệnh gỉ sắt khiến nông dân rất sợ, tuy nhiên khi được xử lý thuốc đúng quy trình thì bệnh giảm rất nhiều, năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha. Tính ra, chi phí SX mỗi vụ bắp gia đình ông phải bỏ gần 20 triệu đ/ha, nhưng thu được khoảng 50 triệu đ. Đầu ra của bắp đều được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá từ 6.000 - 6.500 đ/kg.
Anh Nguyễn Thanh Sang, GĐ chiến lược cây bắp của Cty Syngenta VN cũng hào hứng: “Chúng tôi đang tiến hành trồng khảo nghiệm các giống bắp lai bằng công nghệ xử lý khác nhau nhằm chọn ra giống tốt và giải pháp tối ưu nhất để chuyển giao cho nông dân ứng dụng rộng rãi, hiệu quả”.
Ruộng bắp khảo nghiệm các giải pháp tích hợp
Theo anh Sang, địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Cty Syngenta đang tiến hành khảo nghiệm cả trăm giống bắp lai để lựa chọn ra được 70 giống cho vụ kế tiếp và tiếp tục lựa ra 30 giống cho vụ sau rồi cuối cùng chỉ còn lại 1 hoặc 2 giống cho giai đoạn này. Toàn bộ quá trình tuyển chọn hạt giống mất khoảng 4 năm mới có thể đưa được 1 giống ra thị trường.
Hiện, Syngenta vẫn đang tiếp tục phối hợp với những hộ dân tại 3 tỉnh Sơn La, Đăk Lăk, BR-VT để khảo nghiệm các giống bắp lai mới và đã thu được kết quả rất khả quan. |
Thực tế quan sát trên những lô bắp lai NK66 được áp dụng công nghệ xử lý hạt giống bằng Cruiser so với lô bắp đối chứng không được xử lý hạt giống trước khi gieo thì cây lên rất đều, bộ rễ phát triển nhanh, giúp cây cây khỏe, chống chịu hạn tốt. Đồng thời còn phòng trừ được sâu đất cắn phá ở giai đoạn đầu khiến hạt giống không nảy mầm. Ở lô bắp đối chứng cùng loại giống, cây không phát triển mạnh và lên không đều.
Tiếp tục tại những lô bắp NK54 đang áp dụng công nghệ phòng trừ cỏ bằng việc xử lý thuốc Lumax (3 lít/ha) phun một lần sau khi gieo 2 ngày thì sẽ sạch cỏ nguyên cả vụ bắp. Năng suất cho tăng thêm khoảng 500 kg, tương đương với lợi nhuận tăng 110 USD/ha.
Đồng thời việc xử lý bằng hai loại thuốc Atrazine (3 kg/ha), 3 ngày sau khi xuống giống và xử lý Gramaxone (2 lít/ha) sau 35 ngày xuống giống cũng cho thấy mặt ruộng sạch cỏ, cây bắp vẫn phát triển tốt, không như lô bắp đối chứng cỏ mọc đầy gốc và một số cây bị chết, phát triển không đều.
Còn với công nghệ xử lý thuốc phòng trừ bệnh bằng Amistar Top trên giống bắp NK67 (0,5 lít/ha), phun một lần sau 35 ngày sau khi gieo cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh ít, bắp to, đầu bắp đóng hạt múp và cho năng suất cao hơn 1,2 tấn/ha so với lô bắp đối chứng. Còn đối với lô bắp không phun thì cây bắp bị bệnh nhiều, có bệnh cháy lá lớn, khô vằn, gỉ sắt và trái bắp nhỏ hơn…
Ông Dương Bá Cầu, GĐ tiếp thị cây bắp của Cty Syngenta khu vực Đông Nam Á nói: Cty đang có kế hoạch khảo nghiệm thêm giống bắp biến đổi gen (GMO) mới là MIR 162 tại VN có thể chống lại phổ tác động của hai loại côn trùng là sâu đục thân, côn trùng cánh vảy và kháng thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, Cty không bán trực tiếp các giống như bắp lai, giống dưa hấu, cà chua ra thị trường mà thông qua các đại lý phân phối là các Cty giống cây trồng trong nước.
VFC là một trong những nhà phân phối giống cây trồng của Syngenta tại Việt Nam.
Bộ NN-PTNT đã có quyết định công nhận tạm thời giống bắp biến đổi gen là Bt11, GA21 và Bt11xGA21 của Cty Syngenta VN đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên nhiều khả năng phải đến năm 2015 các giống bắp GMO này mới được trồng đại trà, nên có thể những giống bắp này sẽ không còn phù hợp với thị trường VN vào thời điểm đó. Vì thế, Syngenta muốn khảo nghiệm giống bắp GMO mới để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh lâu dài của công ty tại thị trường VN. |
(Nguồn: M.Sáng - Báo NNVN ngày 12/11/2012)