Tại xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, Đoàn Kinh tế quốc phòng 959 phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện và chính quyền địa phương triển khai thực hiện cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại vụ Đông xuân năm 2012 trên diện tích 118ha, với 65 hộ nông dân tham gia. Cánh đồng sử dụng các giống OM 4218, OM 6976. Trong đó, sử dụng giống nguyên chủng và xác nhận 62ha, còn lại là giống nông hộ. Áp dụng gieo sạ hàng với lượng giống bình quân 124,7kg/ha, tiết kiệm được 40,3kg/ha, so với sản xuất bình thường (165kg/ha); số lần phun thuốc giảm bình quân 1,7 lần/vụ so với sản xuất bình thường; lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 812.800 đồng/ha. Diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 100%. Theo tính toán thực tế, giá thành sản xuất trong mô hình bình quân là 2.862 đồng/kg, giảm 192 đồng/kg so với sản xuất bình thường (3.054 đồng/kg), năng suất ước đạt 7,1 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 19.439.000 đồng/ha, cao hơn so với sản xuất bình thường 1.361.500 đồng/ha (18.078.400 đồng/ha).
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại vụ Đông xuân 2012 ở huyện Tân Hồng đạt kết quả tốt. Qua 5 vụ thực hiện, từ vụ Hè thu 2010 đến nay, cánh đồng đạt các tiêu chí đề ra như: diện tích, năng suất, sản lượng, áp dụng cơ giới hóa trước, trong, sau thu hoạch và liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân. Các cánh đồng thực hiện ở các huyện khác cũng đạt hiệu quả kinh tế cao, hơn hẳn so với sản xuất bình thường, trong đó việc áp dụng cơ giới hoá trong khâu trước, trong và sau thu hoạch là một trong những thắng lợi của mô hình. So với ngoài mô hình, lượng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được dùng trong các cánh đồng đã giảm đáng kể, qua đó giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân. Từ kết quả của các cánh đồng này đã được nhiều nông dân học hỏi, rút kinh nghiệm cho sản xuất sắp tới, trong đó, các biện pháp sạ hàng, áp dụng cơ giới hoá trong khâu trước, trong và sau thu hoạch sẽ được phát triển và nhân rộng./.
(Nguồn: TTXVN)