Thắng lợi cả 3 mặt
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư cho biết, năm 2012, diện tích gieo sạ lúa cả nước đạt 7,76 triệu ha, tăng 117.000 ha so với năm 2011, năng suất trung bình đạt 56,6 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 43,96 triệu tấn, tăng 1,64 triệu tấn so với cùng kỳ. Trong đó, vụ lúa ĐX gieo sạ với diện tích 3,12 triệu ha, sản lượng 20,27 triệu tấn, còn lại là vụ HT, TĐ và vụ mùa.
Riêng khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL, năm 2012 đóng góp vào sản lượng lúa cả nước trên 26,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2011. Năm 2012, cả nước xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo, tăng trên 630 ngàn tấn so với năm 2011 và là năm có số lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
“Như vậy, SX lúa năm qua đã đạt thắng lợi trên cả 3 mặt diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng. Và với sản lượng này, chúng ta đã đạt mục tiêu SX 43 triệu tấn lương thực trước 3 năm (mục tiêu đến năm 2015).
Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, chuyển dịch cơ cấu giống lúa, khống chế các giống lúa cho chất lượng gạo thấp không quá 20%, các TBKT được áp dụng vào SX, chương trình CĐML liên tục được mở rộng… Tuy nhiên, công tác cơ giới hóa dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, nhất là trong khâu phơi sấy", ông Dư nhấn mạnh.
Năm 2013, Bộ NN-PTNT phấn đấu giữ vững ổn định diện tích gieo sạ, đẩy mạnh việc thâm canh tăng năng suất, xóa dần khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa nông dân với nông dân và giữa các vùng miền với nhau, nâng cao giá trị chế biến, xuất khẩu gạo.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chỉ đạo hội nghị
Đến thời điểm này, nông dân vùng ĐBSCL đã gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX 2012 - 2013 với tổng diện tích hơn 1,534 triệu ha. Do mùa lũ vừa qua nhỏ, nông dân tập trung gieo sạ đồng loạt, cao điểm vào 2 đợt cuối tháng 11 (700.000 ha) và cuối tháng 12/2012 (600.000 ha). Do đó, thời điểm thu hoạch rộ sẽ rơi vào tháng 2 và tháng 3/2013, với sản lượng lúa dự kiến trên 10 triệu tấn. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị VFA cần sớm có kế thoạch thu mua lúa tạm trữ nhằm giải quyết đầu ra cho nông dân, tránh tình trạng bị rớt giá do không tiêu thụ được.
Về chương trình CĐML, Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Quốc Doanh cho biết, chương trình ngày càng được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước và mang lại những hiệu quả thiết thực. Vụ ĐX 2012 - 2013 các địa phương đã đăng ký thực hiện 80.000 ha CĐML. Chương trình đã và đang thúc đẩy nhanh quá trình dồn điển đổi thửa theo hướng “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”, tạo điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa trong SX và liên kết DN với nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, trong khi các DN cung cấp vật tư đầu vào tích cực tham gia hỗ trợ nông dân thực hiện CĐML thì các DN đầu ra lại rất dè dặt, đây cũng là hạn chế lớn nhất mà các địa phương đang gặp phải khi triển khai nhân rộng mô hình. Tình trạng nông dân quen kiểu làm ăn nhỏ lẻ, ít vốn cũng là trở ngại khi thực hiện CĐML.
Dịch bệnh do lạm dụng phân, thuốc
TS Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cảnh báo, dịch bệnh đáng lo ngại nhất đối với SX lúa vẫn là rầy nâu và bệnh VL-LXL. Mặc dù tỷ lệ rầy nâu trên đồng ruộng mang mầm bệnh hiện nay rất thấp, nhưng cũng không nên lơ là, chủ quan. Riêng với vụ lúa ĐX 2012 - 2013, do năm nay lũ nhỏ, nông dân lo ngại không có phù sa nên đã tăng cường bón thêm phân dẫn đến thừa đạm.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh đạo ôn lá, đạo ông cổ bông bùng phát. Việc lạm dụng thuốc BVTV cũng là vấn đề đáng lo ngại, vừa làm chết thiên địch vừa làm cho sâu, rầy kháng thuốc, không thể phòng trị.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL
“Dịp Tết nông dân thường rất lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong khi đây lại là lúc cao điểm sâu, rầy, nấm bệnh tấn công mạnh trên lúa ĐX. Tuyệt đối không phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh để ăn Tết, vì làm như vậy vừa lãng phí vừa không hiệu quả. Giải pháp tốt nhất là phải thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu, bệnh thì dùng thuốc đặc trị để phun xịt kịp thời”, ông Chiến khuyến cáo.
Là địa phương dẫn đầu cả nước về SX lúa, với sản lượng năm 2012 đạt gần 4,3 triệu tấn, ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, có được kết quả này là nhờ đẩy mạnh việc đầu tư thủy lợi, đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở (100% xã đều có tổ Kinh tế - kỹ thuật), thành lập Ban Nông nghiệp xã để hỗ trợ nông dân.
Theo ông Nhịn, trước đây, mỗi năm tỉnh phải chi ra từ 15 - 20 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhưng từ khi có tổ Kinh tế - kỹ thuật, tỉnh không còn phải hỗ trợ nữa, trong khi chi phí để duy trì đội ngũ này chỉ tốn khoảng 5 tỷ đ/năm.
Về SX lúa TĐ, ông Nhịn đề nghị Bộ NN-PTNT cần quy hoạch chung cho toàn vùng và bố trí lịch thời vụ một cách khoa học để có giải pháp phân lũ một cách hợp lý. Tránh trường hợp địa phương nào cũng lên đê bao làm lúa TĐ, nước lũ đổ về không còn chỗ chứa, dẫn đến thiệt hại lớn...
Về khâu tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân, ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch VFA cho biết, dự kiến lượng gạo XK của các nước trong năm nay sẽ tương đương với năm 2012, ở mức khoảng 7,6 - 7,7 triệu tấn. Tuy nhiên, cái khó là giá gạo XK đang thấp, hiện đã xuống dưới mức 400 USD/tấn.
Ngoài ra, việc XK gạo của VN đang bị cạnh tranh khá gay gắt cả về số lượng và giá cả, trong khi đó thị trường XK tập trung vẫn chưa ký được nhiều. Về việc các địa phương yêu cầu DNXK gạo ký kết hợp đồng bao tiêu lúa trong CĐML, ông Linh cho rằng việc này là rất khó. Vì trong tổng số 100 DN để điều kiện XK gạo theo quy định thì chỉ có khoảng 30% là có kho, bãi lớn, đủ sức tham gia. Ngoài ra, hình thức thu mua giữa DN và nông dân cũng chưa tìm được tiếng nói chung. Nông dân thường bán lúa tại ruộng, còn DN lại thu mua tại kho nên khó thực hiện.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Có 2 cái mà chúng ta đang làm được, đó là về chỉ đạo lịch thời vụ và liên kết nông dân trong CĐML. Nhờ đó, đã hạn chế được dịch bệnh, tăng năng suất, đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế cần phải khắc phục như cơ cấu mùa vụ chưa thật tốt, nhiều địa phương vẫn làm lúa xuân hè, hiệu quả kém. Còn về vụ TĐ, nhiều nơi ngoài quy hoạch vẫn làm, dẫn đến thiệt hại. Chúng ta chỉ khuyến khích làm lúa TĐ ở những địa phương ít bị ảnh hưởng lũ và vùng ven biển (làm lúa thơm), chứ không làm đại trà. Khi quy hoạch diện tích lúa TĐ phải tính đến việc điều tiết lũ cho cả vùng ĐBSCL. Chúng ta đang có quá nhiều giống nhưng lại không có giống đột phá về năng suất, chất lượng hay có tính chống chịu hạn mặn thật tốt. Hiệu quả đầu tư không cao, nông dân vẫn còn lạm dụng thuốc BVTV, phân bón… dẫn đến chi phí SX tăng. Hạ tầng đầu tư chưa đáp úng được yêu cầu. Khâu phơi sấy, kho chứa vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa có giải pháp tồn trữ lúa trong dân hiệu quả. Các phụ phẩm trong SX lúa như rơm, rạ, vỏ trấu, cám… đang bị bỏ phí. Cần tìm giải pháp để tăng thu nhập cho nông dân, bằng cách giúp họ tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi SX lúa gạo. Vì hiện nay, nông dân chỉ làm đến khâu thu hoạch là kết thúc, còn lại là thương lái, DN chế biến, XK làm và hưởng lợi nhuận... Về lâu dài, cũng cần có trung tâm xử lý thông tin hỗ trợ nông dân trong SX, chẳng hạn khi có dịch bệnh, nông dân chỉ cần chụp hình gửi qua tin nhắn về trung tâm, các nhà khoa học sẽ hướng dẫn họ cách xử lý hiệu quả. |
(Nguồn Báo NNVN 28/01/2013)