Chị Hoàng Thị Thơm đang chọn lựa để mua hành tây ở chợ ngã tư Phan Chu Trinh (phường 9, Đà Lạt) nói: “Người tiêu dùng bây giờ đã có ý thức cao hơn về vấn đề sức khỏe của mình rồi. Với lại, mấy thứ hàng “chất ướp xác” ấy của nước ngoài nhập về nghe mà khiếp; nên, sẵn hàng Đà Lạt mình có thì mua chứ dại chi rước mấy thứ “của nợ” ấy!”.
Những ngày qua, thông tin về rau cải thảo Trung Quốc có phun formaldehyde (chất ướp xác người) để giữ độ tươi lâu hơn đã khiến cho dư luận ở Đà Lạt nghi ngờ về một số mặt hàng tương tự được nhập về từ Trung Quốc như hành tây, khoai tây…, liệu có tẩm “thứ chết người” này không.
“Đến lúc này, khi đi chợ, khách hàng hết sức dè dặt trong việc lựa chọn các mặt hàng rau để dùng hằng ngày trong bữa ăn. Trước, tôi có mua bán một vài thứ nông sản “ngoại nhập”, nhưng nay thì không còn…” – chị Thảo, người chuyên bán rau ở chợ Đà Lạt, nói.
Người Đà Lạt đang chọn sản phẩm “rau Đà Lạt” cho bữa ăn hằng ngày.
Ông Lại Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục BVTV thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng – cho biết: “Trung bình mỗi tháng, Chi cục lấy khoảng 150 mẫu rau trên địa bàn Lâm Đồng để kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả đáng mừng là chỉ có không đến 2% mẫu có dư lượng thuốc BVTV nằm trong phạm vị không cho phép; hơn nữa, trong số đó không hề có dấu hiệu của formaldehyde.
Tuy vậy, để thật chắc chắn, trong thời gian đến, Chi cục chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra riêng về nội dung này đối với mẫu rau Đà Lạt và sẽ có báo cáo chính thức”. Một vài năm gần đây, việc nhập hàng rau củ của Trung Quốc với giá rẻ về Đà Lạt rồi giả mác rau Đà Lạt (nhất là mặt hàng khoai tây) đã khiến cho một vài nông sản Đà Lạt rơi vào thế cạnh tranh khá khốc liệt. Ví dụ, riêng mặt hàng khoai tây: Giá một kg khoai Trung Quốc nhập về chỉ 4.500 – 6.000 đồng, sau khi “làm áo” (phơi nắng, bôi đất đỏ Đà Lạt), thương nhân bán với nhãn mác “khoai tây Đà Lạt” nhưng giá thấp hơn nhiều so với giá khoai tây Đà Lạt đã khiến cho sản phẩm cùng loại của Đà Lạt đến “méo mặt”.
Bởi vậy, giá khoai tây Đà Lạt đã bị “kéo” từ 20.000 – 25.000 đồng/kg xuống còn 8.000 – 9.000 đồng/kg, và nhiều nhà vườn phải điêu đứng. Hoặc như vài tháng gần đây, do sự cạnh tranh khốc liệt của hành tây Trung Quốc nên giá hành tây Đà Lạt từ trên dưới 10.000 đồng/kg giảm xuống còn không đến 2.000 đồng, thậm chí có lúc chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/kg, khiến cho tình trạng “không thèm” thu hoạch hành tây trở nên phổ biến ở hầu hết các vùng rau Đà Lạt và lân cận.
Trong các ngày giữa tháng 5, giá nhiều loại rau Đà Lạt đã tăng lên từ 10% đến trên 50%, có loại tăng gấp đôi. Hiện tại, giá một kg hành tây đã tăng từ 3.000 – 4.000 đồng vào tuần trước lên 6.000 đồng, cải thảo từ 2.000 đồng lên 4.000 đồng, bó xôi từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng… Như trên đã nói, một trong những nguyên nhân khiến rau Đà Lạt tăng giá là do thời gian gần đây có dư luận về việc một số mặt hàng rau Trung Quốc có phun thuốc “tẩm xác chết” (formaldehyde) để giữ cho được tươi lâu. Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm là do bắt đầu vào mùa mưa nên diện tích, năng suất nhiều loại rau Đà Lạt có giảm. Bởi vậy, theo giới chuyên môn, rau Đà Lạt sẽ còn tiếp tục tăng giá trong những ngày tới.
Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng, ông Lại Thế Hưng, nói: “Với Đà Lạt – một cái máy lạnh khổng lồ - thì việc giữ cho rau tươi bằng việc phun chất formaldehyde là điều không tưởng, vì hoàn toàn không cần thiết!”
(Nguồn: Khắc Dũng-Báo NNVN)