Kết quả nghiên cứu ở Thái Lan cho rằng do Phytoplasma, Trung Quốc lại cho rằng do virus và nhện Eriophyes dimocarpi là tác nhân gây bệnh. Ở Việt Nam: theo kết quả nghiên cứu của Viện cây ăn quả Miền Nam thì nhện lông nhung (Eriophyes litchi Keifer) là vector truyền bệnh gây nên hiện tượng bệnh chổi rồng trên nhãn. Đây là loài nhện có kích thước rất nhỏ, khoảng 0,12-0,17mm, thân màu trắng vàng. Dưới kính hiển vi thấy cơ thể dạng củ cà rốt. Phần đầu ngực có hai đôi chân, đoạn đuôi có một đôi lông, vòng đời rất ngắn, trong một năm có nhiều thế hệ nên mật độ tăng rất cao. Trứng hình tròn trong suốt. Ngoài ra nhện lông nhung còn là đối tượng gây hại nặng trên cây vải ở các tỉnh phía Bắc.
Trên nhãn, nhện lông nhung gây hại nặng và có mật số cao ở giai đoạn lá non vào tháng 4, 5 và 10, 11, riêng tháng 12 nhện lông nhung tập trung rất cao trên lá non và mầm non làm cho tược non của nhãn bắt đầu xoăn lại. Qua đó, cho thấy vector truyền bệnh đang hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi lúc làm nguy cơ xảy ra dịch bệnh chổi rồng trên nhãn là không tránh khỏi, nếu không có giải pháp kịp thời. Để hạn chế sự lan truyền bệnh chổi rồng do nhện lông nhung gây hại, cần thực hiện cách phòng trừ tổng hợp sau:
Cần cắt tỉa hợp lý cành bị nhện, cành bị sâu bệnh tấn công; đối với cây đang bị bệnh nên cắt cành sâu vào khoảng 50cm. Vệ sinh vườn bằng cách thu gom và tiêu hủy tất cả các cành bị bệnh, bị nhện gây hại.
Bón tăng cường phân hữu cơ kết hợp phân vô cơ hợp lý với hàm lượng đạm và lân cao để thúc đẩy sinh trưởng tạo bộ đọt mới.
Khi cơi đọt làm bông chuyển lụa, nên bón phân với hàm lượng lân và kali cao, cần thiết thì phun thêm MKP để lá chuyển sang thuần thục và già đồng đều. Chú ý khi nhãn hình thành cơm trái, nên sử dụng phân bón cần lưu ý tăng cường lượng đạm, giai đoạn trái ổn định và chín thì cần tăng cường hàm lượng kali để ổn định và nâng cao chất lượng trái.
Khi cây chuẩn bị ra đọt kết hợp với hoa và trong giai đoạn hoa dạng bung chà hay gạc nai và sau khi đậu trái cần phun ngừa thuốc định kỳ như giai đoạn sau thu hoạch.
Ngoài những biện pháp trên thì cần phải sử dụng đến biện pháp hóa học. Khi cây chuẩn bị ra đọt hoặc trong giai đoạn ra đọt non cần phun ngừa định kỳ thuốc Nissorun 5EC. Đây là loại thuốc thế hệ mới ức chế quá trình lột xác và thuốc tác động mạnh lên các pha sinh trưởng của nhện như: trứng, ấu trùng, trưởng thành, đặc biệt hơn là con cái trưởng thành đã bị nhiễm thuốc thì đẻ trứng sẽ bị ung không nở được. Thuốc không ảnh hưởng đến côn trùng có ích. Sử dụng với liều 500ml cho 1ha, hay 25ml cho bình 16 lít.
Cần chú trọng hơn trong việc bảo đảm an toàn cho người và môi trường. Người phun xịt phải mang mặt nạ, mặc quần áo bảo hộ lao động. Chú ý sử dụng đúng liều không nên sử dụng tràn lan, khi thuốc dư thừa không nên đổ xuống ao hồ, kênh rạch mà phải được xử lý theo đúng hướng dẫn tiêu hủy thuốc BVTV. Cần chú ý đến thời gian cách ly, thuốc Nissorun 5EC có thời gian cách ly 7 ngày.
(Nguồn: KS Nguyễn Văn Minh)