Ảnh minh họa
Tuy nhiên phía sau những tin vui này, là nhiều tin không vui về hạt gạo Việt Nam. Trước hết, đó là thị trường xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường châu Á - nơi chiếm 77% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có những tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ: Thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc (với mức 2 triệu tấn/năm), giờ bắt đầu thừa gạo nên sẽ không nhập nhiều nữa. Các nước Ấn Độ, Pakistan, Campuchia vốn trước đây chỉ có nhập, nay lại xuất khẩu gạo. Indonesia cũng bắt đầu chính sách bảo hộ, khuyến khích sản xuất trong nước để tự cung tự cấp. Thái Lan do lượng tích trữ lớn nên ào ạt xả kho với giá rẻ hơn, chất lượng ngon hơn gạo Việt Nam. Sức ép cạnh tranh này gay gắt đến mức như Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh đặt câu hỏi: “nếu cứ tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn gạo mỗi năm thì không biết bán đi đâu”.
Nhìn sâu hơn một chút, lại là nỗi lo từ chuyện thiếu căn cơ. Lượng gạo xuất khẩu của đất nước hiện có tới 90% là từ vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng con số thống kê từ các địa phương cho thấy, chính tại khu vực này hiện có khoảng 70% số hộ nông dân đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho ngân hàng vay vốn phát triển sản xuất. Người nông dân trồng lúa khó về vốn, doanh nghiệp cũng không khá hơn. Trong 144doanh nghiệp xuất khẩu thì có tới 80% năng lực tài chính là trung bình và yếu, chỉ có 20% gọi là “tương đối”. Vì thế, việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không đủ nguồn lực, phương tiện để thực hiện việc thu mua lúa của nông dân khi vào vụ, buông rơi cam kết với người nông dân trước đó… là chuyện vẫn thường xảy ra.
Nhìn thẳng thực tế, phía sau hạt gạo không chỉ có mồ hôi của người nông dân, mà còn có cả câu chuyện của một vùng kinh tế, một cuộc “đại tu” trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới hạt gạo xuất khẩu được hướng tập trung vào khu vực: gạo đặc sản cho xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, UE, Nhật Bản… và gạo cấp trung bình để duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống.
Để cuộc “đại tu” trong sản xuất nông nghiệp này thành công, ngoài người nông dân, doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của bàn tay chính quyền và nhiều “nhà” cùng góp sức để tạo ra những vùng trồng lúa nổi tiếng, những thương hiệu gạo và cả thương hiệu doanh nghiệp tiêu biểu cho Việt Nam!
Long Hà/ Báo Hải Quan