Theo ông Hoàng Tuấn Việt, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico, đầu năm nay, Tổng cục Quản lý Vệ sinh, An toàn và Chất lượng Thực phẩm (SENASICA), thuộc Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển nông thôn, Thủy sản và thực phẩm Mexico (SAGARPA), đã công bố quy định đối với gạo nhập khẩu từ Việt Nam vào nước này.
Theo đó, kể từ ngày 31/1/2013, gạo đánh bóng của Việt Nam được nhập khẩu vào Mexico, phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, phải nêu rõ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực ĐBSCL của Việt Nam (điều này đồng nghĩa với việc gạo sản xuất ở miền Bắc, miền Trung và khu vực ĐNB của Việt Nam sẽ không được XK sang Mexico).
Gạo không có bất cứ loại côn trùng nào trong 12 loại sau: Alphitobius diaperinus; Alphitobius laevigatus; Callosobruchus chinensis; Corcyra cephalonica; Dinoderus minutus; Latheticus oryzae; Lophocateres pusillus; Palorus foveicollis; Palorus ratzeburgi; Palorus subdepressus; Setomorpha rutella và Tenebroides mauritanicus.
Trong gạo XK sang Mexico không có các loại hạt, sản phẩm ngũ cốc khác, hoặc đất lẫn vào. Gạo đã được xử lý hun trùng tại Việt Nam, bằng nhôm photphua TFA dạng viên hoặc bột, trong điều kiện áp suất khí quyển bình thường.
XK gạo qua Cảng Sài Gòn
Gạo được đóng trong bao polyethylene (PE bag) mới, kín không khí, trọng lượng không quá 50 kg, thuận tiện cho người tiêu dùng. Trên bao bì phải ghi rõ tên sản phẩm, xuất xứ, và cần được xem xét với thương hiệu sẽ được bán trên thị trường Mexico.
Ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 (Cục BVTV) cho biết, trước những yêu cầu trên của Mexico, Cục BVTV và Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 đã có những hướng dẫn cụ thể đối với các DN XK gạo.
Chẳng hạn, để gạo không bị nhiễm bất cứ loại côn trùng nào trong 12 loại côn trùng mà Mexico đã cấm, cũng như lẫn đất hay các loại hạt khác, các DN cần phải thực hiện theo quy trình khử trùng trước rồi mới cho đánh bóng. Sau đó phải áp dụng kỹ thuật tách hoàn toàn các hạt cỏ, ngũ cốc khác … ra khỏi gạo.
Có một DN ở An Giang đã xây dựng hẳn một quy trình mang tính tự động hóa cao trong chế biến gạo XK sang Mexico. Đó là khi lúa đưa về kho bãi của DN, hạt lúa sẽ được hút từ ghe vào ống hút để đưa thẳng vào kho sấy. Sau khi sấy xong, lúa được chuyển qua băng chuyền sang khu vực xay.
Gạo được xay ra, xử lý xong thành gạo thành phẩm, lại theo băng chuyền đưa xuống sà lan chở đi. Nhờ tự động hóa cao như vậy, nên khả năng loại bỏ tạp chất, loại bỏ các loại côn trùng ra khỏi gạo là rất tốt.
Cũng theo ông Ngã, trước năm 2013, chưa có một lô gạo nào từ Việt Nam XK sang Mexico. Nhưng mấy tháng qua, dù vấp phải hàng rào kỹ thuật nói trên, đã có 5 DN XK được gạo sang nước này.
Tuy lượng gạo XK sang Mexico còn rất nhỏ nhoi, mới chỉ được 2.693 tấn, nhưng cũng đã cho thấy, nếu được chế biến theo một quy trình nghiêm ngặt, gạo Việt Nam vẫn có thể lọt vào được những thị trường đã dựng lên những hàng rào kỹ thuật tương đối khắt khe.
Tuy vậy, khó khăn trong việc XK gạo sang Mexico chưa phải đã hết. Bởi trong khi Mexico quy định gạo Việt Nam phải được đóng vào bao PE, thì lâu nay, gạo XK của Việt Nam đều được đóng vào bao polypropylene (PP). Thậm chí gạo Việt Nam đã XK sang Mexico vẫn đang được đóng vào loại bao này.
Sở dĩ có điều này là vì hồi cuối tháng 3 vừa rồi, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã làm việc với ông Cục trưởng Cục BVTV, thuộc SENASICA Mexico. Tại buổi làm việc Thương vụ đã thông báo cho SENASICA Mexico biết, năm 2012, Việt Nam là quốc gia XK gạo đứng thứ hai thế giới, với số lượng 7,6 triệu tấn (sau Ấn độ 9,5 tấn), chủ yếu được đóng trong bao PP, quy cách 50 kg/bao.
Vì thế, phía Mexico đã đồng ý sửa đổi quy định về đóng bao, đồng ý cho gạo Việt Nam đóng trong bao PP như cũ, thay vì phải đóng trong bao PE.
Dầu vậy, ông Hoàng Tuấn Việt cho rằng, để giữ được thị trường Mexico, là một thị trường mới của gạo Việt Nam, về lâu dài các nhà XK trong nước cần phải đầu tư dây chuyền đóng bao, thay đổi cách đóng bao bì như hiện nay, thực hiện giống với cách đóng bao của Mỹ đang XK vào Mexico, là đóng trong bao giấy cứng (3 lớp) khâu kín, không khí không lọt vào, trọng lượng tịnh 50 pounds (22,68 kg), phía ta có thể đóng 25 kg/bao, để thuận tiện cho người tiêu dùng, đồng thời giữ được chất lượng gạo của Việt Nam.
Khi XK gạo sang Mexico nói riêng và khu vực châu Mỹ nói chung, do thời gian vận chuyển bằng đường biển dài tới 30-35 ngày, Mexico lại có 6 tháng mùa mưa, thì với cách đóng bao PP như hiện nay, không khí ẩm dễ lọt vào, làm cho gạo có thể bị mốc, bị giảm chất lượng. Mặt khác, kiểu đóng bao PP 50 kg/bao, chỉ dễ dàng cho các DN XK, nhưng chưa thuận tiện cho người tiêu dùng. |