Loài sâu này mới xuất hiện ở nước ta nhưng là loài đã gây hại khá phổ biến ở Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ...
Bà con nông dân có thể nhận diện triệu chứng gây hại của loài sâu này khi phân sâu non hiện diện nhiều trên thân cây mía, giống như mạt cưa gần các lỗ đục, gặp ẩm độ cao sẽ đóng thành từng cục và hóa đen rất dễ quan sát.
Trong trường hợp gây hại nghiêm trọng, sâu non đục xuyên qua nhiều lóng, toàn bộ phần mô bên trong vỏ thân mía bị ăn ở dạng vòng nhẫn, do đó phần thân trên vòng đục dễ bị gãy gập khi gió tác động.
Do có nhiều cá thể sâu non gây hại trong một thân cây mía nên chúng thường đục từ 6 - 10 lỗ đục nhỏ (lỗ vũ hóa) trên 1 lóng cây mía, tạo điều kiện cho ngài thoát ra và bay đi phát tán. Sâu non có đầu màu nâu vàng đến sẫm, các chấm trên cơ thể to, màu xám mờ.
Chúng thường theo nhau bò xuống bẹ lá và tập trung đục vào trong lóng mía của chính lá đó để gây hại (khác với loài 4 vạch cũ thường đục ăn nhu mô lá non, để lại triệu chứng lá lốm đốm trắng rất điển hình).
Sâu non có tính gây hại tập thể, nhiều con cùng gây hại trên 1 cây, chúng ăn hết phần thịt lóng, chỉ chừa lại phần vỏ thân và trong vòng 2 – 3 tuần, sâu làm cho cây bị chết khô rất nhanh, sau đó bị gãy, đổ và chết rụi. Theo báo cáo của Sở NNPTNT Tây Ninh, hiện đã có gần 1.700/20.984ha mía nguyên liệu vụ 2014 - 2015 của tỉnh bị nhiễm sâu đục thân (chủ yếu là loài sâu đục thân mía 4 vạch mới).
Đối với các lô ruộng bị hại nặng với tỷ lệ lóng bị hại trên 10% và sâu đã phát tán đều trên khắp lô ruộng, bà con cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất Deltamethrin, Cypermethrin hoặc Chlorantraniliprole để phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun tập trung vào từng ổ dịch sâu (cây mía bị chết khô ngọn, cây có nhiều lỗ sâu đục).
Minh Huệ (Dân Việt)