Cục BVTV cho biết, từ đầu vụ ĐX 2012 - 2013 đến nay, thời tiết ở các tỉnh phía Bắc liên tục có các đợt gió mùa kèm sương mù, ngày nắng đêm mưa, nhiệt độ duy trì ở mức hợp lí từ 24 - 280C, độ ẩm cao... Điều này giúp lúa ĐX mới gieo cấy phát triển rất nhanh. Đặc biệt ở các tỉnh Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên - Huế), lúa ĐX cấy sớm từ trước và sau Tết Nguyên đán trong giai đoạn đẻ nhánh mạnh, nhiều diện tích lúa phát triển quá nhanh đang bị lướt lá, mềm lá. Kết hợp với điều kiện thời tiết độ ẩm cao, sương mù, mưa nắng xen kẽ nên bệnh đạo ôn trên lá đang bùng phát với tốc độ cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 và cao hơn mức trung bình nhiều năm.
Theo báo cáo của Phòng BVTV (Cục BVTV), hiện đã có tổng cộng hơn 3.700 ha lúa ĐX tại các tỉnh phía Bắc bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá. Trong đó, các tỉnh Bắc Trung bộ có khoảng 2.000 ha lúa bị nhiễm bệnh với biểu hiện bệnh đã rõ rệt (Thừa Thiên - Huế 400 ha; Nghệ An 500 ha; Hà Tĩnh 300 ha; Quảng Trị 600 ha; Quảng Bình 150 ha...). Các tỉnh Bắc bộ (từ Ninh Bình trở ra) hiện có khoảng 1.700 ha lúa bị nhiễm bệnh, với biểu hiện bệnh chưa rõ rệt do lúa chưa bước vào giai đoạn đẻ nhánh mạnh, trong đó, các tỉnh đồng bằng ven biển ĐBSH như Thái Bình, Nam Định... hiện bệnh có dấu hiệu lan rộng.
Về diễn biến của dịch, ông Hồ Đăng Cư - Trưởng phòng BVTV (Cục BVTV) nhận định: Năm nay, do tiết Thanh minh muộn (từ sau 4 - 5/4/2013) nên thời tiết trong thời gian tới sẽ vẫn còn nguy cơ diễn ra tình trạng âm u, ngày nắng đêm mưa, độ ẩm cao kết hợp với sương mù. Quãng thời gian này sẽ trùng với thời kỳ lúa ĐX tại các tỉnh phía Bắc vào thì “con gái” và giai đoạn cuối đẻ nhánh. Do vậy, đây là điều kiện hết sức lí tưởng cho bệnh đạo ôn bùng lên. Nếu không có biện pháp phòng trừ triệt để, bệnh sẽ có nguy cơ lây truyền sang giai đoạn đạo ôn cổ bông rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng theo ông Cư, với điều kiện dự báo thời tiết trong trung hạn không thể hoàn toàn chính xác như hiện nay, diễn biến dịch thế nào sẽ khó mà lường trước được do còn phụ thuộc thời tiết cụ thể của từng địa phương. Vì vậy, các tỉnh phía Bắc cần hết sức chủ động, căn cứ vào thời gian gieo cấy cụ thể, “căn” thời gian lúa vào thì đẻ nhánh để có biện pháp phòng trừ thích hợp.
Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra, là một trong vài loại dịch hại nguy hiểm đối với cây lúa ở Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực.Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, trên cổ bông hoặc trên hạt. Bệnh đạo ôn trên lá gây hại chủ yếu ở giai đoạn lúa đẻ nhánh. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, màu xám xanh, sau chuyển sang màu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh có màu nâu đậm, ở giữa màu xám trắng. Nếu nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành từng mảng lớn khiến lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, gây thất thu năng suất nghiêm trọng. Thời tiết với nhiệt độ tương đối thấp, ẩm độ không khí bão hòa và trời âm u là điều kiện tốt để bệnh phát triển. Ở miền Bắc, lúa ĐX vào giai đoạn “con gái” - đứng cái và làm đòng là những cao điểm của bệnh trong năm. Lúa ở các chân ruộng trũng, khó thoát nước hoặc bón đạm quá nhiều, quá muộn hoặc vào lúc nhiệt độ không khí thấp có nguy cơ bị bệnh đạo ôn nặng. |
Về biện pháp phòng bệnh, Cục BVTV khuyến cáo hiện nay không có giống lúa nào tuyệt đối kháng được đạo ôn, vì vậy các địa phương cần chủ động khuyến cáo nông dân triển khai các biện pháp phòng ngừa.
Cụ thể: Nông dân cần phải bón đạm sớm cho lúa để thúc đẩy nhanh thời kỳ đẻ nhánh của lúa, lưu ý không được bón nhiều đạm theo quy định để tránh tình trạng “lướt lá”, yếu và mềm lá; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, sớm phát hiện bệnh và luôn duy trì giữ nước ở chân ruộng nhằm giúp lá lúa cứng cáp, tăng khả năng chống bệnh, tránh tình trạng để ruộng khô nước, thiếu nước khiến bộ lá mềm yếu, dễ bị bệnh tấn công; không phun các loại phân bón lá, các loại thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa, đặc biệt là giai đoạn chớm bệnh...
Về giải pháp trừ bệnh, khi phát hiện bệnh đạo ôn vào giai đoạn chớm bệnh (tỉ lệ cá thể bị nhiễm bệnh chiếm trên 5%), bên cạnh các giải pháp phòng bệnh, cần triển khai ngay các biện pháp phun trừ bệnh bằng các loại thuốc trừ đạo ôn. Khi phun thuốc, cần lưu ý tuân thủ đúng liều lượng chỉ dẫn trên bao bì, tranh thủ phun vào các ngày trời khô ráo, tránh phun vào ngày mưa, ngày ẩm thấp, sương mù. Nếu phun vào các ngày ẩm, ngày mưa, phải phun lại ngay. Đặc biệt khi phát hiện lúa nhiễm bệnh đạo ôn, nông dân chỉ nên “phun đơn” một loại thuốc trừ đạo ôn, tránh phun kết hợp với các loại thuốc trừ sâu hỗn hợp khác khiến các loại thiên địch có lợi bị tiêu diệt ngay khi lúa còn ở giai đoạn non, khiến nhiều loại sâu bệnh bùng phát về sau.
Cục BVTV cũng đề nghị, các địa phương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở kịp thời thông tin cảnh báo về nguy cơ bệnh đạo ôn giúp người dân chủ động phòng trừ. Khi thông tin trên hệ thống phát thanh xã phường, chỉ nên thông tin về một loại sâu - bệnh nhất định với nội dung đầy đủ về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, biện pháp phòng trừ..., tránh tình trạng thông tin cảnh báo một lúc tràn lan nhiều loại sâu - bệnh, khiến người dân nắm thông tin không cặn kẽ cũng như hiểu nhầm, phun nhiều loại thuốc một lúc...
Cục BVTV cảnh báo, bệnh đạo ôn trên lá có nguy cơ bùng phát mạnh trong thời gian tới ở các địa phương thuộc các vùng sau sau:
- Các tỉnh vùng đồng bằng ven biển, đặc biệt là các tỉnh ven biển ĐBSH như Thái Bình, Nam Định... do thường có hiện tượng độ ẩm cao, mưa - nắng xen kẽ, chân ruộng trũng, khó thoát nước...
- Các tỉnh vùng bán sơn địa ĐBSH như Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... do các tỉnh này thường khó khăn trong việc duy trì thường xuyên nước chân ruộng.
- Các tỉnh vùng Tây Bắc bộ và một số địa phương có đặc thù gieo cấy sớm, gieo cấy chạy lũ, chân ruộng thấp, khó thoát nước...
- Đối với các tỉnh Bắc Trung bộ, cần đề phòng bệnh đạo ôn lây lan rộng, triển khai các biện pháp phòng tránh việc bệnh lây truyền sang giai đoạn đạo ôn cổ bông.
(Nguồn: báo NNVN – ngày 06/03/2013)