Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm
Chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và chân tay miệng
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng ở nước ta tuy số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2012 và các năm trước đây, nhưng theo chu kỳ dịch bệnh, năm 2014 dịch bệnh có thể tăng lên nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt, các bệnh này luôn lưu hành tại các địa phương trên phạm vi cả nước và chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Năm 2013, cả nước đã ghi nhận số mắc bệnh chân tay miệng giảm 49,3%, tử vong giảm 55,6% so với cùng kỳ năm 2012. Song, bệnh vẫn lưu hành ở mức cao và rộng khắp cả 63 tỉnh, thành phố.
Cùng với bệnh chân tay miệng, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở nước ta cũng giảm 24,3%, số tử vong giảm 43,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2014 nguy cơ gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta là rất lớn vì theo chu kỳ dịch bệnh, khối cảm nhiễm gia tăng (những trẻ chưa mắc bệnh).
Bên cạnh đó, việc kiểm soát gia tăng số mắc sốt xuất huyết rất khó khăn vì chưa có vaccine phòng bệnh; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; thói quen trữ nước sinh hoạt của đại bộ phận dân cư sinh sống tại khu vực ĐBSCL, các vùng thường xuyên bị mưa bão, lũ lụt, khu vực công nghiệp hóa mạnh là nơi có rất nhiều ổ đọng nước, đây chính là môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát triển và truyền bệnh sốt xuất huyết.
Xuất hiện nhiều bệnh mới khó xác định, khó điều trị
Bên cạnh nguy cơ bùng phát trở lại dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, nhiều dịch bệnh mới lại xuất hiện rất khó xác định, khó điều trị, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV)...
Ở nước ta, năm 2013 đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Long An, trong đó 1 trường hợp tại Đồng Tháp tử vong.
Nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người luôn tiềm ẩn bùng phát do dịch cúm trên gia cầm vẫn liên tiếp được ghi nhận hằng tháng tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt thời tiết mùa Đông-Xuân là môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của virus cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng, cùng với tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư.
Đối với cúm A/H7N9, cho đến thời điểm này, nước ta vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc ở trên người cũng như trên gia cầm, đồng thời cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong mùa Đông-Xuân tới là rất lớn do đã có trường hợp mắc tại tỉnh Quảng Đông tiếp giáp với miền Bắc nước ta, cùng với sự gia tăng buôn bán gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán; buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu hiện vẫn chưa được kiểm soát tốt.
Theo các chuyên gia dịch tễ, mặc dù nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc, nhưng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV luôn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua việc nhập cảnh của những người đến từ vùng có dịch bệnh do việc giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Hiện môi trường ô nhiễm và các thói quen, hành vi không hợp vệ sinh của nhiều người cũng là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh và lưu hành.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của các dịch bệnh trên, Cục Y tế Dự phòng đã chỉ đạo các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, sở y tế, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trên cả nước tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền cho người dân tăng cường ý thức phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu mùa dịch; chuẩn bị sẵn sàng các đội cơ động chống dịch bệnh; tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu để ngăn chặn bệnh dịch, không cho xâm nhập vào nước ta, đặc biệt là cúm A/H7N9.
Nguồn báo điện tử Chính phủ