Điêu đứng vì gia súc chết hàng loạt
GiadinhNet - Nhiều hộ dân tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) mất ăn, mất ngủ vì đàn lợn nuôi cứ tự dưng lăn đùng ra chết.Những ngày này, nhiều hộ dân tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) mất ăn, mất ngủ vì đàn lợn nuôi cứ tự dưng lăn đùng ra chết dần mà không rõ mắc phải bệnh gì... Còn tại Thanh Sơn (Phú Thọ) đàn trâu, bò hàng chục con cũng nối gót nhau "ra đi" trong một thời gian ngắn.
Lợn chết do rét
Xã Liên Mạc những ngày này khắp nơi trắng một màu vôi bột. Các hộ dân tại đây cho hay, họ rải vôi để khử trùng vì đàn lợn trong địa phương đang mắc "bệnh lạ". Tuy nhiên, việc dùng vôi bột khử trùng chẳng ngăn được hàng chục con lợn từ các hộ gia đình vẫn lăn ra chết mỗi ngày.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Bồng Mạc (xã Liên Mạc) có số lợn chết nhiều nhất. Tính tới ngày 6/1, gần 30 con lợn của ông đã lăn ra chết với tổng thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Ông Tuấn cho hay: "Đàn lợn được tôi nuôi từ tháng 8/2010 đều ăn rất khỏe và lớn đều. Nhưng từ đầu tháng 1/2011, cả đàn lợn bất ngờ lấp lửng bỏ ăn, chỉ nằm ì một chỗ. Đến giờ thì không còn con nào".
Tương tự, gia đình ông Kiều Văn Phúc, xóm 5, thôn Bồng Mạc những ngày này cũng đang đứng ngồi không yên vì chuyện lợn chết. Chỉ đúng 2 ngày sau khi ông Phúc phát hiện đàn lợn của gia đình có dấu hiệu "khật khừ" bỏ ăn thì cả đàn lợn đã chết sạch, chẳng kịp cứu chữa. Hiện tại gia đình ông Phúc còn hoang mang hơn khi con trâu - vốn liếng sản xuất có giá trị nhất của gia đình - cũng đang bỏ ăn, nằm bẹp trong chuồng sùi bọt mép. Đã hơn tuần nay, gia đình ông ra sức cứu chữa nhưng bệnh tình của con trâu vẫn không được cải thiện.
Ngoài 2 gia đình trên, địa phương này còn có hàng loạt các hộ khác rơi vào hoàn cảnh khốn đốn tương tự. Số lợn chết tại xã Liên Mạc đã lên tới cả ngàn con. Rất nhiều xác lợn được người dân vứt bừa bãi, ra cả cánh đồng cũng như mương nước.
Trước sự lo lắng của người dân, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Nông, cho rằng: "Xã tôi không có dịch bệnh gì cả. Mọi chuyện chăn nuôi vẫn diễn ra bình thường... Người dân chỉ làm um lên để mong đòi tiền... thiệt hại". Ngày 6/1, Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Theo thống kê của UBND xã Liên Mạc, toàn xã có hơn 1.000 con lợn.
Bắt đầu từ ngày 1/1, thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, do người chăn nuôi chưa có biện pháp chăm sóc, phòng tránh rét cho vật nuôi kịp thời nên một số lợn con mới được sinh ra đã bị chết rét. Số lợn chết này không bị mắc các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng... Đáng tiếc là một số hộ dân đã không đem tiêu hủy mà tự ý cho lợn vào bao tải vứt vào bãi rác của xã ngay bên đường, gây ô nhiễm môi trường.
Chợ ế hàng, khách sợ... thịt
Tính đến ngày 6/1, tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã có hàng chục con trâu, bò bị chết. Nhiều nhất như xã Địch Quả, chỉ trong vài ngày có 5 con trâu, 19 con bò và 5 con lợn bị chết. Gia súc bị chết tập trung chủ yếu vào các đàn trâu bò đang được nuôi theo kiểu chăn thả rông tại các vùng đồi núi, khe suối.
Sự việc đã được cấp báo và Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương đã hướng dẫn người dân cách phòng chống, cách ly gia súc bị nhiễm bệnh, phun thuốc khử trùng tiêu độc ở các vùng có dịch. Đến thời điểm hiện nay, tại huyện Thanh Sơn, dịch bệnh đã tạm thời được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới.
Dù vậy, thị trường thực phẩm vẫn điêu đứng, ảm đạm. Hầu hết người dân vẫn "kiêng" các loại thịt lợn, trâu, bò. Chị Nguyễn Thị Hà (thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ), sau khi đã mua đủ thức ăn cho một ngày, tâm sự: "Hơn nửa tháng nay nhà tôi không dám ăn thịt lợn hay trâu bò, toàn ăn cá hoặc thịt gia cầm. Là người nội trợ chính trong gia đình, tôi cứ để một thời gian nữa dịch hết hẳn mới ăn cho yên tâm!".
Để đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình, hầu hết các bà nội trợ ở địa phương đã nói không với thịt gia súc trong thời gian này. Tâm lý ấy đã kéo theo tình trạng ế ẩm của hàng thịt trên các chợ trong khu vực. Cũng chính vì sự lo lắng với thịt mà cả các mặt hàng chế biến từ thịt gia súc cũng bị khách "tẩy chay".
Chị Hoa, chủ cửa hàng giò chả phàn nàn: "Nửa tháng nay chỉ bán hàng cho có việc thôi chứ lãi chả được là bao". Tại Thanh Sơn do đổ xô vào các loại thực phẩm thay thế khác nên cá, cua, gà, vịt... bỗng dưng đội giá ầm ầm, gây khó khăn cho đời sống người dân.