Anh Nguyễn Văn Mỳ - ấp Rượng Lưới, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng - cho biết, vụ này anh gieo sạ 9ha lúa giống OM 6976, đến nay lúa được 50 ngày tuổi.
Khi diện tích lúa gần 1 tháng tuổi anh phát hiện lúa bị muỗi hành gây hại nhưng trên diện tích nhỏ. Anh Mỳ phun thuốc phòng trị ngay, nhưng lúa vẫn không khỏi bệnh, ngược lại diện tích nhiễm bệnh ngày càng tăng (ước thiệt hại hơn 50% diện tích). 14ha lúa giống IR 50404 của gia đình anh Nguyễn Văn Trưng - xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng - cũng bị muỗi hành gây hại khoảng 60%.
Đi thăm đồng, thấy lúa bị muỗi hành gây hại nhiều, anh Trưng rải phân, phun xịt thuốc trị bệnh ngay song không cứu được ruộng lúa của mình. “Mỗi ha đầu tư đến thời điểm này đã hơn 10 triệu đồng, nhưng năng suất lúa bị muỗi hành tấn công giảm nhiều.
Tui không biết đến khi thu hoạch sẽ được bao nhiêu lúa!” - anh Trưng lo lắng. Còn anh Lâm Quốc Khánh - ấp Rượng Lưới, xã Vĩnh Thạnh - cho biết, 5ha lúa giống Nàng hoa 9 của anh đến giai đoạn lúa hơn 50 ngày tuổi thì phát hiện dịch bệnh, tỷ lệ gây hại lên đến 80 - 90%. Đầu tư trên 50 triệu đồng, song theo anh Khánh coi như mất trắng.
Tại huyện Vĩnh Hưng, theo Trưởng phòng NNPTNT huyện Trương Văn Lâm, trên địa bàn huyện muỗi hành gây hại hơn 2.600ha; trong đó 250ha bị gây hại nặng (từ 60 - 80%), số diện tích còn lại thiệt hại dưới 50%. Huyện đã thống kê diện tích lúa bị thiệt hại, đề nghị tỉnh có hướng hỗ trợ. Đối với số diện tích ở các xã vùng thấp xuống giống trễ khả năng thiệt hại còn cao, ngành NNPTNT huyện tập trung tuyên truyền về dịch hại này để nông dân chủ động phòng trừ nhằm giảm tối đa thiệt hại...
Muỗi hành thường tấn công cây lúa từ giai đoạn mạ đến nhảy chồi. Triệu chứng để nhận diện lúa bị muỗi hành gây hại là cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, phần thân cứng, lá lúa xanh, có nhiều cọng lúa se tròn giống cọng hành.
Hiện chưa có loại thuốc nào diệt muỗi hành hữu hiệu. Giải pháp trước mắt vẫn là nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm để phòng ngừa.
Văn Đát/ Báo Lao Động