Nhu cầu rất lớn
Ông Lê Văn Tuyền, Trưởng phòng NN-PTNT Tân Hiệp cho biết, là huyện thuần nông, từ lâu Tân Hiệp đã chú trọng đến các giải pháp để hạ giá thành SX lúa như chuyển đổi giống mới, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp, cơ giới hóa và làm ăn kinh tế hợp tác. Trong đó, việc bơm tưới bằng điện là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu.
Vì vậy, khi đầu tư phát triển mạng lưới điện nông thôn, bao giờ huyện cũng chủ trương đi kèm với việc phát triển trạm bơm điện. Các xã viên sẽ cùng nhau hùn vốn đầu tư mua môtơ, làm trạm bơm sau đó giao lại cho HTX quản lý, vận hành (xem như góp vốn vào HTX). Nhờ đó, việc đầu tư trạm bơm điện phát triển khá nhanh.
Theo ông Tuyền, Tân Hiệp là địa phương có giá thành SX lúa thấp nhấp của tỉnh Kiên Giang. Cụ thể giá thành SX vụ HT 2012 là 2.800 - 3.000 đ/kg, trong khi mức giá thành chung toàn tỉnh từ 3.500-3.800 đ/kg. Có được mức giá thấp như vậy một phần nhờ làm ăn hợp tác, bơm tưới bằng điện.
Chi phí bơm điện chỉ bằng 1/3 so với bơm dầu nên nông dân rất cần
Ông Nguyễn Văn Ba, xã viên HTX kênh 8A, xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp phấn khởi cho biết: “Từ khi có được trạm bơm tưới bằng điện nông dân chúng tôi rất yên tâm, sau khi bàn bạc thống nhất ngày gieo sạ theo lịch thời vụ chung, HTX sẽ cho vận hành máy bơm, xã viên không cần phải lo đi kiếm máy để thuê. Cuối vụ, chi phí hết bao nhiêu sẽ được thông báo đến tận nhà. Chi phí bơm điện trung bình chỉ hết khoảng 100-120 kg lúa/ha/vụ, trong khi nếu bơm dầu phải tốn từ 300-350 kg lúa/ha/vụ. Chi phí đầu tư thấp nên lợi nhuận của người dân cũng được nâng lên”.
Phải có điện 3 pha
Theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt thì dự kiến tổng số trạm bơm điện sẽ đầu tư cho 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đến năm 2015 là 3.120 trạm với tổng kinh phí là 2.331 tỷ đồng. Số trạm này sẽ phục vụ bơm tưới cho 658.000 ha diện tích lúa và khoảng 6.000 ha nuôi trồng thủy sản. Tổng điện năng cần cho các trạm này hoạt động vào khoảng trên 512 triệu KWh/năm.
Riêng tỉnh Kiên Giang được đầu tư 544 trạm, với tổng kinh phí 391 tỷ đồng. Theo phân kỳ đầu tư thì giai đoạn 2009-2010 sẽ đầu tư 200 trạm, còn lại sẽ đầu tư tiếp đến năm 2015. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai được do ngành điện không mặn mà tham gia.
Để ngành điện nhiệt tình tham gia, Chính phủ cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư điện phục vụ phát triển SX ở ĐBSCL, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi để phát triển các trạm biến áp phục vụ bơm điện. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cần sớm có kế hoạch để triển khai đề án này, cùng với địa phương tìm các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc... |
ThS Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, sau khi có chủ trương, ngành đã họp các địa phương để phân chia số trạm theo nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể triển khai được, ngoại trừ một số trạm ở xã điểm nông thôn mới.
Ông Củi cho rằng: “Bơm điện yêu cầu phải có điện 3 pha, các trạm bơm thường nằm ở vùng sâu vùng xa, đường dây dẫn dài nên chi phí đầu tư khá lớn. Điện cho bơm tưới lại chỉ sử dụng theo mùa vụ nên ngành điện không muốn đầu tư do hiệu quả kinh doanh thấp hơn nhiều so với việc đầu tư điện phục vụ công nghiệp. Đây là lý do chính khiến đề án chậm triển khai”.
Mặc dù nhu cầu trạm bơm điện phục vụ cho SX là rất lớn, nông dân đang rất cần vì nó mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng việc triển khai lại rất chậm, thậm chí nhiều nơi vẫn còn nằm trên giấy. Đến nay, tỉnh Kiên Giang cũng chỉ mới ký được biên bản với TCty Điện lực miền Nam về việc phối hợp thực hiện mạng lưới điện phục vụ SX ở nông thôn. Còn lại các công việc khác vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai, nên chưa biết đến bao giờ việc bơm tưới bằng điện mới đến được với nông dân.
(Nguồn - Báo NNVN)