Kiểm tra ổ dịch sốt xuất huyết ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM, các chuyên gia y tế phát hiện nhiều vật dụng chứa nước tại nhà dân trở thành nơi sinh trưởng của loăng quăng, muỗi gây bệnh.
Phường Phú Thạnh được ghi nhận bùng phát nhiều ổ dịch sốt xuất huyết. Theo số liệu của Trạm y tế phường, trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn có 49 ca sốt xuất huyết, tăng 37,5% so với cùng kỳ. Ngành y tế địa phương nhận định xuất hiện nhiều ổ dịch tại các công trình xây dựng không tuân thủ triệt để biện pháp phòng bệnh.
Có 4 công trình xây dựng tại khu phố 1 và 4 của phường Phú Thạnh được xác định là ổ dịch, nhiều công nhân làm việc ở đây đã mắc sốt xuất huyết. Hai đơn vị thi công công trình đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm quy định hành chính về y tế vì để xảy ra dịch bệnh.
Đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường y tế do Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu dẫn đầu khảo sát khu vực này hôm 6/10. Thực tế cho thấy nhiều công trình xây dựng lớn bố trí hệ thống thoát nước hở dưới tầng hầm, ứ đọng nhiều rác thải xây dựng, phát sinh loăng quăng. Việc xử lý loăng quăng gặp nhiều khó khăn do tường rào kín, nhân viên trạm y tế không thể vào bên trong vì sợ xảy ra tai nạn. Khi dịch bệnh lây lan, công tác khắc phục hậu quả về môi trường và phòng bệnh ở các công trình này không được tuân thủ hoặc rất chậm trễ.
Cán bộ y tế kiểm tra môi trường bên trong các công trình đang thi công, buộc chủ đầu tư cam kết và ký hợp đồng phun thuốc diệt muỗi định kỳ hàng tuần có giám sát theo quy định. Ngành y tế dự phòng sẽ xử lý nghiêm chủ đầu tư những công trình xây dựng gây bùng phát lây lan dịch sốt xuất huyết từ 2 lần trở lên.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết môi trường ưa thích của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là những nơi chứa nước sạch, nước mưa chứ không phải sông suối, kênh rạch như mọi người thường nghĩ. Điều tra dịch tễ ở các hộ gia đình cho thấy ổ loăng quăng phát sinh trong hầu hết những vật dụng chứa nước để ngoài trời không đậy nắp kín hoặc chỉ che sơ sài. Đoàn cán bộ y tế khuyên người dân nên thường xuyên thay nước lu, thùng phuy, bình bông, chén nước cúng, máng uống của vật nuôi, lật úp các vật phế thải có thể đọng nước mưa.
Các đĩa lót bình cắm hoa cũng trở thành nơi muỗi đẻ trứng sinh loăng quăng.
Một chiếc ủng để ngoài trời trong khu dân cư sau một thời gian trở thành ổ loăng quăng. Qua quá trình kiểm tra thực tế, ông Trần Đắc Phu nhận thấy nhiều gia đình còn chủ quan và không hợp tác trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết. "Ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống của gia đình mình là điều quan trọng nhất để phòng dịch bệnh. Chúng tôi thấy nhiều gia đình còn chủ quan, bằng chứng là khi đoàn đến kiểm tra thấy có rất nhiều dụng cụ chứa nước quanh nhà thành ổ loăng quăng", ông Phu nói.
Bồn chứa nước sạch được đậy bằng nắp gỗ sơ sài nên muỗi dễ dàng bay vào trú ngụ và sinh sản. Các cán bộ y tế khuyên người dân nên dùng nắp đậy thật kín để ngăn muỗi vào đẻ trứng.
Cán bộ y tế vận động người dân làm vệ sinh môi trường sống mỗi tuần một lần, hông để xảy ra ca sốt xuất huyết trong gia đình. Mục tiêu chính là giảm số lượng ca mắc mới và tử vong do sốt xuất huyết.
Nhiều em bé bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 được tiến sĩ Trần Đắc Phu thăm và động viên.
9 tháng đầu năm cả nước có trên 43.000 người mắc sốt xuất huyết, 28 ca tử vong. Dịch đang ở giai đoạn đỉnh cao với số ca mắc mới không ngừng gia tăng ở 53 trong số 63 tỉnh thành, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh phía Nam. Riêng TP HCM từ đầu năm đến nay có hơn 10.600 bệnh nhân nhập viện, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến dịch được dự báo còn phức tạp trong các tháng cuối năm.
Thi Ngoan. Vnexpress.net
.