Một số giống ngô biến đổi gene đã được trồng khảo nghiệm tại Đăk Lăk. Ảnh tư liệu.
Nhiều triển vọng
Tây Nguyên có diện tích trồng ngô chiếm khoảng 25% diện tích ngô cả nước với gần 250.000ha. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, diện tích này đang có chiều hướng giảm xuống do bị ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh. Theo một số nhà khoa học, ngô biến đổi gene là lựa chọn tất yếu để đảm bảo diện tích ngô Tây Nguyên trong tình hình mới.
Năm 2011, tại Đăk Lăk cây ngô biến đổi gene đã được trồng khảo nghiệm. Ông Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm - nghiệp Tây Nguyên cho biết: Kết quả khảo nghiệm rất khả quan. Tuy năng suất chưa vượt trội (do không có gene tăng năng suất) nhưng so với giống ngô truyền thống, khả năng kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ của ngô biến đổi gene rất tốt.
Tính trạng kháng sâu hại được phát huy tốt và biểu hiện rất rõ rệt tại các môi trường có áp lực sâu hại cao. Công thức mang tính trạng chuyển gene sinh trưởng phát triển khỏe mạnh ngay từ những giai đoạn rất sớm, trong khi ở công thức đối chứng không chuyển gene chúng ta nhìn thấy biểu hiện gây hại rõ ràng của sâu đục thân và sâu đục bắp.
“Đối với Tây Nguyên, chỉ cần cây ngô kháng được thuốc diệt cỏ là ổn… Giải quyết được vấn nạn cỏ dại cho cây ngô tức là đã giúp nông dân giảm được đáng kể công chăm sóc và cũng nhờ đó năng suất sẽ tăng lên, ổn định hơn”. Ông Lê Ngọc Báu.
Ông Báu phân tích thêm: Tính trạng chống chịu thuốc diệt cỏ giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát cỏ dại bằng cách phun thuốc diệt cỏ (gốc glyphosate) trực tiếp trên ruông ngô để kiểm soát cỏ dại triệt để hơn, từ đó giúp cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt hơn nhờ không phải cạnh tranh dinh dưỡng với cỏ dại. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong điều kiện Việt Nam khi phần lớn diện tích canh tác ngô nước ta rơi vào mùa mưa (tháng 5 – 9) với áp lực cỏ dại rất lớn.
Ngô kháng sâu hại và cỏ dại đã được khảo nghiệm tại Đăk Lăk.
Do đó, với ngô biến đổi gene, nông dân sẽ bớt chi phí cho thuốc trừ sâu, giảm công chăm sóc. Vậy nên, cho dù năng suất không tăng thì lợi nhuận cũng đã thấy rõ.
Theo ông Báu, chỉ tính riêng tại Đăk Lăk, mỗi năm nông dân trồng khoảng 140.000ha ngô, năng suất bình quân đạt khoảng trên 5 tấn/ha. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, diện tích, năng suất ngô có phần giảm do bị ảnh hưởng nhiều yếu tố.
Trong đó, vấn đề bức thiết nhất đối với nông dân trông ngô ở Tây Nguyên chính là áp lực cỏ dại. Dù thổ nhưỡng rất thuận lợi, nhưng cây ngô vẫn khó đạt được năng suất tối đa do phải “chia phần” dinh dưỡng cho cỏ.
Giảm đầu tư, tăng năng suất
Mặc dù người dân vẫn dùng thuốc trừ cỏ cho cây ngô, nhưng hiệu quả không cao do không thể phun trực tiếp vào những nơi có cây ngô, không thể cơ giới hóa công đoạn này. Vấn đề này sẽ được giải quyết bằng cách đưa ngô biến đổi gene vào sản xuất.
“Hiện có hai giống ngô biến gene được thương mại hóa là kháng thuốc trừ cỏ và kháng sâu khoang, sâu đục thân ngô, và sâu đục bắp. Tuy nhiên, đối với Tây Nguyên, chỉ cần cây ngô kháng được thuốc diệt cỏ là ổn, bởi thực tế áp lực sâu bệnh không đáng kể. Giải quyết được vấn nạn cỏ dại cho cây ngô tức là đã giúp nông dân giảm được đáng kể công chăm sóc và cũng nhờ đó năng suất sẽ tăng lên, ổn định hơn”- ông Báu nói.
Công nghệ biến đổi gene là tiến bộ khoa học của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Dù muốn hay không thì hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập hàng chục triệu tấn ngô, trong đó có không ít ngô biến đổi gene. Nếu chúng ta tăng được năng suất cây ngô sẽ kéo theo ngành chăn nuôi phát triển, giảm áp lực nhập khẩu lương thực.
Một cán bộ uy tín khác của Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên cũng nhận định: Sớm hay muộn thì công nghệ biến đổi gene vẫn phải được áp dụng. Đây là xu thế tất yếu bởi áp lực dân số tăng mà còn đất đai thì không thể “nở” thêm.
Ở thời điểm hiện nay, chỉ có công nghệ biến đổi gene mới tạo nên được bước đột phá khi mà công nghệ lai ghép gần như đã phát huy hết tầm. Và chỉ có đột phá thì mới tạo nên được cuộc cách mạng nông nghiệp thực sự cho tương lai.
Tuy nhiên, việc kiểm soát vấn đề sử dụng công nghệ biến đổi gene được nhiều người đưa ra với một số quan ngại. “Nếu vectơ gene kháng thuốc trừ cỏ chuyển sang cây cỏ, hoặc nếu người ta đưa thêm những gene gây hại (ở dạng ngủ) vào giống biến đổi gene? Vấn đề khác không kém phần quan trọng đó là bộ gene di truyền liệu có ổn định hay không? Tức nếu nó là A thì vĩnh viễn chỉ cho ra A chứ không chuyển thành B hay thứ khác… Đây rõ ràng là những vấn đề mà không thể không thận trọng”- cán bộ này nêu thêm.
Duy Hậu (Trang trại Việt)