san phẳng đồng ruộng bằng công nghệ ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An | Việc sử dụng kỹ thuật tia laser trong san bằng mặt ruộng làm cho mặt ruộng phẳng dễ hứng và thấm nước ở mức tốt nhất. Hệ thống san phẳng ruộng điều khiển bằng laser gồm có: Bộ phát laser (transmitter). Bộ phát gắn trên trụ cố định, phát chùm tia laser tỏa ra chung quanh, đưa tín hiệu đến máy kéo. Bộ nhận laser (receiver) nhận tín hiệu, xác định độ cao so với mặt chuẩn từ bộ phát và truyền thông tin đến hộp điều khiển. Bộ nhận được lắp vào một trụ trên gàu san treo hoặc móc sau máy kéo. |
Ngoài ra, còn một bộ nhận lắp trên dụng cụ đo cao độ dùng khi khảo sát mặt cánh đồng.
Hộp điều khiển (control box) có chức năng xử lý tín hiệu từ bộ nhận, cho biết vị trí của gàu san so với độ cao muốn có.
Khi cài ở chế độ tự động, hộp điều khiển hệ thống thủy lực để nâng hạ gàu san. Hộp được lắp cạnh người lái để điều khiển bằng tay khi cần thiết.
Hệ điều khiển thủy lực là bộ phận nâng hạ gàu san bằng thủy lực, nhờ tín hiệu từ hộp điều khiển. Theo hệ thống này, người sử dụng máy cày, bừa, san ruộng rất phẳng, không còn tình trạng lồi lõm quá nhiều trên một khoảnh ruộng.
Thống kê cho thấy chi phí san phẳng tùy thuộc địa hình, độ chênh ban đầu ước tính sơ bộ khoảng 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/ha.
Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã cấy lúa để theo dõi về năng suất và chất lượng lúa trên cánh đồng đã san phẳng, kết quả ghi nhận rất khả quan so với ruộng không san phẳng.
Theo đó, số lần bơm nước vào ruộng giảm, chi phí còn một nửa. Mật độ cỏ dại còn 45-66%. Cỏ phát sinh chậm hơn, năng suất lúa cao hơn, lợi nhuận tăng...
Đặc biệt, khi tạo mặt đồng phẳng, nhiều nhà chuyên môn, nông dân còn ghi nhận những ưu điểm khác khi kết hợp biện pháp tưới hợp lý như dễ dàng diệt ốc bươu vàng, phòng chống rầy; cây lúa đứng, ít đổ ngã.
Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, chi phí trên các lô đất san bằng theo kỹ thuật tia laser giảm rất nhiều so với san bằng mặt ruộng bằng kỹ thuật truyền thống. Trong đó, chi phí phân bón, thuốc không giảm nhưng giống giảm 37%, công làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng giảm đến 67%, bơm nước giảm 62%, còn năng suất lại tăng đến 28%.
Các nhà khoa học của Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và có những thiết kế để phù hợp với Việt Nam, như: Tính toán, thiết kế các loại gàu san phù hợp với các chủng loại máy kéo khác nhau; sáng chế thiết bị giải nhiệt dầu thủy lực hệ thống nâng hạ; sửa chữa, điều chỉnh một số hư hỏng của thiết bị điều khiển...
Đặc biệt, các nhà khoa học của Trung tâm đã chế tạo một gàu san liên hợp với máy kéo MTZ-892 (110 ngựa) có thể xử lý được những địa hình khó.
Trần Minh (theo Uet.vnu.edu)