Họ tận mắt chứng kiến mô hình cà phê của gia đình ông Nguyễn Hồ Hạnh, thôn Tân Lập, xã Eakpal, huyện Cưgmar (Đăk Lăk) đang thu hoạch cho năng suất cao nhờ áp dụng giải pháp BVTV hiệu quả…
TÁI CANH THEO QUY TRÌNH
Dẫn mọi người vào tham quan vườn cà phê, ông Nguyễn Hồ Hạnh phấn khởi tâm sự: “Từ ngày áp dụng giải pháp canh tác của Syngenta, cả vườn cà phê như được hồi sinh sau những lần nhiễm bệnh. Đến nay cả vườn hoàn toàn sạch bệnh, đang phát triển đều và ra hoa trái khỏe”.
Vườn cà phê của ông Hạnh có khoảng 1.000 gốc, đến thời điểm này đã thu hoạch được 4,5 tấn cà phê hạt và chỉ khoảng hơn 1 tuần nữa sẽ thu hoạch xong dứt điểm.
Năm 2003, ông Hạnh bắt đầu trồng cà phê, những năm đầu cây còn nhỏ nên có hiện tượng nấm bệnh phát triển mạnh, như bệnh nấm hồng, thán thư, thối rễ, gỉ sắt… Do nguồn vốn hạn chế khiến ông không có điều kiện đầu tư chăm sóc, khiến các loại nấm bệnh càng phát triển, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Từ khi được Cty Syngenta hướng dẫn áp dụng giải pháp canh tác cà phê khiến cả khu vườn như "sống lại". "Từ năm thứ 3 vườn cà phê của tôi bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt 2 tấn/ha. Đến nay, nhờ áp dụng đúng quy trình quản lý dịch bệnh đã giảm chi phí đầu tư mà năng suất nâng lên 6 - 7 tấn/ha. 100% số cây phát triển đều, không hề có biểu hiện bệnh, đang cho trái rất sung", ông Hạnh khoe.
Mô hình cà phê áp dụng giải pháp BVTV của Syngenta cho năng suất cao
Tuy nhiên, gần đó là vườn cà phê đối chứng của hộ ông Bùi Đình Lục trồng giống ghép, chỉ chăm sóc theo kinh nghiệm thì cây phát triển kém, nhiều cây bị vàng lá do nấm bệnh tấn công. Mặc dù thấy tán cây rất xum xuê, cành nhiều nhưng cành dự trữ kém, trái lớn không đều, khi thu hoạch cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu.
Đứng bên vườn cà phê nhà mình, ông Lục tâm sự: “Do vườn cà phê bị nấm bệnh tấn công khiến cây chết vãn, gia đình tôi mới phải trồng tái canh mất hơn phân nửa diện tích. Nhưng mình cũng không thể khẳng định được giống mới phát triển tốt, vì vườn cây vẫn ủ bệnh”.
Ông Lục bắt đầu trồng cà phê từ năm 2004 với diện tích 0,5 ha, khoảng 500 gốc. Do không chăm sóc kỹ nên nấm bệnh bùng phát. Mặc dù đã tìm đủ các biện pháp xử lý nhưng cũng chẳng ăn thua, đến nay đã phải trồng tái canh 250 gốc.
Theo người dân địa phương, đối với các dịch hại cà phê như gỉ sắt, nấm hồng, thán thư, khô cành, khô quả… áp dụng các giải pháp của Syngenta là sử dụng Anvil quản lý dịch hại rất hiệu quả. Riêng dịch bệnh hại rễ cây cà phê làm bà con lo lắng nhất, vì có rất nhiều đối tượng trong đất gây bệnh, nhưng đáng ngại nhất là rệp sáp, tuyến trùng, nấm và các loại dịch hại khác.
SỚM CÓ GIẢI PHÁP XỬ LÝ TUYẾN TRÙNG
Theo TS Trương Hồng, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), khó khăn lớn nhất của việc tái canh cà phê là nông dân đói vốn đầu tư. Nếu tái canh mà không áp dụng đồng bộ về giống và các biện pháp kỹ thuật thì sau 1 năm tỷ lệ tái canh chỉ đạt mức 12 - 14%. Do vậy người dân không mặn mà. Hơn nữa, trước bối cảnh giá cả vật tư nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng, nếu không có những giải pháp quản lý cây cà phê tốt để đạt năng suất cao thì hiệu quả sẽ thấp đi.
Năm 2012, lần đầu tiên VN dẫn đầu thế giới và XK cà phê Robusta, mang về cho đất nước 3,3 tỷ USD và XK đến 80 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên ngành cà phê đang phải chịu nhiều thách thức lớn là diện tích cây già cỗi ngày càng tăng, sâu bệnh hại nhiều, nhất là tuyến trùng hại rễ nên năng suất giảm. |
Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Tân Lập, xã Eapkal, huyện Cư Mgar, than vãn: “Tôi cố gắng bán vườn càng sớm càng tốt chứ không muốn tái canh, vì đã chứng kiến một số hộ phải bỏ ra 50 triệu để trồng lại 1 ha cà phê và bị mất trắng sau hơn 1 năm vì cây cứ trồng là chết”.
Trao đổi với PV NNVN, ông Shane Emms, TGĐ Cty Syngenta Việt Nam cho biết: “Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây cà phê như thời tiết, giống, dịch hại và kỹ thuật trồng trọt… Chúng ta không thể làm thay đổi thời tiết nhưng có thể áp dụng đồng bộ TBKT trong canh tác để chăm sóc cho cây khỏe, có khả năng chống chịu sâu bệnh bằng cách sử dụng thuốc BVTV cùng các các giải pháp kỹ thuật về nông học để mang lại hiệu quả cao.
Trước những khó khăn trong việc phòng trị tuyến trùng hại rễ cà phê, chúng tôi đã nghiên cứu gói giải pháp xử lý nhằm giúp người dân canh tác hiệu quả. Syngenta đã thành công với giải pháp tăng năng suất lúa và bắp ở VN thì chắc chắn sẽ thành công với cây cà phê bằng TBKT canh tác mới. Dự kiến đến khoảng cuối quý I/2013 Syngenta sẽ đưa ra một giải pháp tổng thể cho tái canh cà phê".
(Nguồn: Minh Sáng - Báo NNVN ngày 03/12/2012)