Giá lương thực giảm trong bối cảnh triển vọng mùa vụ ngũ cốc bội thu và sản lượng sữa tăng cao cũng như sản lượng thịt lợn của Mỹ hồi phục. Việc này giúp làm chậm lại lạm phát toàn cầu – vốn đã được hỗ trợ khi giá dầu thô giảm – với việc Goldman Sachs dự báo giá tiêu dùng trung bình hàng năm toàn cầu sẽ tăng 3,3% vào năm tới so với 3,5%năm 2014.
Chỉ số giá lương thực giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. FAO cho biết đã thực hiện xem xét lại về cách tính toán chỉ số từ 1961.
Chỉ số FAO tăng lên kỷ lục năm 2008 và giá lương thực tăng đã châm ngòi cho hơn 60 cuộc bạo động trên toàn thế giới giai đoạn 2007-2009, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ. Sau khi giảm xuống năm 2009, giá lương thực lại tăng lên kỷ lục năm 2011, góp phần gây ra tình trạng bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi khiến chính phủ ở Tunisia và Ai Cập sụp đổ.
Chỉ số giá sữa trung bình tháng 10 đạt 184,3 điểm, giảm 1,9% so với tháng 9 và giảm 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sữa bột tách kem tại châu Đại Dương trong tháng 10 giảm 2,3% khi sản lượng sữa tại New Zealand hồi phục sau đợt hạn hán, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong khi giá sữa bột Hà Lan giảm 5,5% khi sản lượng sữa EU tăng mạnh.
Chỉ số giá thịt của FAO trong tháng 10 giảm 1,1% xuống 208,9 điểm, giảm 2 tháng liên tiếp từ mức kỷ lục 212 điểm trong tháng 8.
Thịt lợn là sản phẩm hoạt động kém nhất trong Chỉ số Hàng hóa Bloomberg tháng 10 khi giảm 19%. Giá thịt lợn tại Anh vẫn giảm khi đàn lợn hồi phục sau đợt bộc phát dịch bệnh virut.
Chỉ số giá ngũ cốc FAO trong tháng 10 tăng 0,2% lên 178,4 điểm.
“Sau 5 tháng giảm mạnh, giá lúa mỳ và ngũ cốc hạt to toàn cầu tăng nhẹ trong tháng 10, được hỗ trợ một phần nhờ việc thu hoạch tại Mỹ chậm lại và viễn cảnh sản lượng giảm tại Australia”, FAO cho biết.
FAO đã nâng dự báo về sản lượng lúa mỳ toàn cầu năm 2014-2015thêm 4,1 triệu tấn lên kỷ lục 722,6 triệu tấn, nhưng lại hạ viễn cảnh sản lượng ngũ cốc hạt to như ngô, giảm 5 triệu tấn xuống 1,303 tỷ tấn.
Dự trữ ngũ cốc toàn cầu dự đoán tăng lên 624,7 triệu tấn vào cuối niên vụ 2014-2015 từ 578,6 triệu tấn niên vụ trước đó, lên cao nhất 15 năm. Việc này giúp nâng tỷ lệ dự trữ-sử dụng lên 25,1%, cao nhất 12 năm, từ23,5% trước đó, theo FAO.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 1% lên 163,7 điểm trong bối cảnh sản lượng dầu cọ tại Malaysia và Brazil giảm, trong khi chỉ số giá đường tăng 4,2% do dự báo sản lượng mía tại Brazil giảm do hạn hán.