Trong thời gian vừa qua, rất nhiều công ty xuất khẩu rau quả, thủy sản khi xuất khẩu đi Mỹ gặp vấn đề bị tiêu hủy, trả hàng về, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay đã có tới 45% kiện hàng xuất sang Mỹ bị trả lại do thiếu các hồ sơ quy trình của sản phẩm, chưa kể đến chất lượng của sản phẩm.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các đơn vị xuất khẩu không nắm thông tin cũng như quy định của nước nhập khẩu, mặc dù quy định đã được ban hành từ rất lâu. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng ngày càng siết chặt việc kiểm soát dịch hại trên hàng hóa và các vật liệu làm bao bì, vật chứa đựng, tấm nâng, pallet, vật chèn lót làm từ gỗ thô (WPM-Wood Packaging Material).
Để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, vừa qua công ty CP Khử Trùng Việt Nam (VFC) cũng gửi đến khách hàng các lưu ý đặc biệt đối với vật liệu chèn lót bằng gỗ xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ.
Theo đó, đối với WPM, gỗ được sử dụng để đóng Pallet hoặc chèn lót đều phải được bóc sạch vỏ, không có dấu vết lỗ mọt đục và nên sấy khô đến thủy phần thích hợp.
-Không bao gói kín WPM bằng các vật liệu ngăn cản hơi. -Các WPM đều phải được đóng dấu đầy đủ, rõ ràng. Việc khử trùng toàn bộ WPM trong container không thay thế cho việc đóng dấu ISPM 15 cho từng cái riêng lẻ.Bên cạnh đó, công ty VFC cũng lưu ý các DN về việc kiểm soát xác mọt gỗ hoặc dịch hại tiềm ẩn bằng cách đảm bảo tốt công tác vệ sinh hàng hóa, container và điều kiện môi trường xung quanh trước và trong lúc đóng hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập từ bên ngoài, hạn chế đóng hàng vào ban đêm. Đặc biệt nên định kì vệ sinh cơ sở sản xuất, phun hóa chất tiếp xúc để tiêu diệt côn trùng.
Ngoài ra, các DN cần phải biết thêm về bộ tiêu chuẩn của luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA) của Mỹ và thuê chuyên gia tư vấn giỏi, rành rẽ về kiểm định sản phẩm của Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) khi tham gia xuất khẩu hàng hóa sang nước này để giảm rủi ro, tránh nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, hàng bị trả về, thậm chí bị cấm xuất khẩu.
Ông Nguyễn Huy, người được ủy quyền kiểm định sản phẩm của Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ FDA cho biết doanh nghiệp Việt Nam để được chấp nhận nhập khẩu vào Mỹ thì phải đáp ứng được 2 yêu cầu là phải có chứng nhận về kiểm soát phòng ngừa PCIQ trực tiếp từ FDA và phải kế hoạch an toàn thực phẩm với các nội dung bắt buộc gồm phân tích mối nguy, kiểm soát phòng ngừa, thủ tục giám sát hành động khắc phục và thẩm tra.
Theo ông Nestor Scherbey-Tổng Giám đốc, CTRMS Viet Nam, Cố vấn cấp cao, Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu thì không riêng gì Việt Nam mà tất cả các doanh nghiệp trên thế giới nếu muốn nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ thì phải tuân thủ tất cả những điều kiện của FDA và USDA Mỹ. Hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các DN đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.
“Nếu công ty bạn có Chứng chỉ Đăng ký với FDA mà đại lý đăng ký đưa cho bạn, nó không có nghĩa là bạn được “cấp phép” xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ mà nó chỉ là một Số Đăng ký và bạn cho phép Các kiểm định viên của FDA kiiểm tra cơ sở của bạn. Nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu an toàn thực phẩm liên quan đến Thực tiễn Sản xuất tốt (GMP) hoặc Thực tiễn Nông nghiệp tốt (GAP) thì sẽ không được nhập khẩu vào Mỹ”- ông Nestor Scherbey thông tin thêm.
(Nguồn : www.plo.vn, www.24h.com.vn)