Đại diện Công ty Biobee trả lời câu hỏi của doanh nghiệp trong hội thảo. Ảnh: Đức Tâm
Đây là ý kiến chung được nhiều doanh nghiệp và cơ quan Việt Nam chia sẻ trong buổi gặp gỡ kết nối với những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel. Hội thảo được Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM.
Những khó khăn về tài chính
Trao đổi với phóng viên TBKTSG, bà Đỗ Lan, đại diện công ty Green 2000, một công ty nổi tiếng của Israel tại Việt Nam cho biết Green 2000 có mặt tại Việt Nam từ năm 2010 nhưng đến nay chỉ mới có hai dự án. Một dự án trồng rau và gia vị xuất khẩu có diện tích 4 hecta tại Nghệ An đang triển khai, còn một dự án nhà kính trồng rau có diện tích 3 hecta tại Phú Quốc đã lên kế hoạch thực hiện chi tiết nhưng cuối cùng phải tạm ngưng vì đối tác Việt Nam không đủ vốn.
Nguồn vốn hạn chế là một trong những yếu tố ngăn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tiếp cận với công nghệ cao từ Israel. Tuy vậy Green 2000 vẫn tin tưởng tiềm năng hợp tác tại Việt Nam khi các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mua hạt giống nông sản chất lượng cao do Green 2000 cung cấp.
Bà Đoàn Thị Hồng Quyên, chuyên viên Sở KH&CN Cần Thơ cho biết để đầu tư một hệ thống nhà kính hoàn chỉnh áp dụng công nghệ nông nghiệp tiên tiến Israel cho 1.000 mét vuông diện tích cần khoảng 2 - 3 tỉ đồng. Với khoản đầu tư này thì đa số các doanh nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) khó có thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước.
Bà Chuyên làm một phép toán đơn giản, với một hecta trồng cải, hiện nay một năm có doanh thu trung bình khoảng 80 triệu đồng, như vậy cần 37,5 năm để thu đủ số vốn đã đầu tư mà chưa kể tiền giống cây trồng và nhân lực. Với những giống cây ăn trái giá trị cao hướng đến xuất khẩu thì áp dụng công nghệ Israel sẽ rất thích hợp; tuy nhiên hiện đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa được giải quyết căn cơ nên thật khó để nông dân mạnh dạn áp dụng những công nghệ tiên tiến với chi phí đầu tư cao như thế này.
Ngoài ra với những ưu đãi của thiên nhiên về thổ nhưỡng và khí hậu, các doanh nghiệp ĐBSCL vẫn chưa thật sự mặn mà với công nghệ tưới nhỏ giọt áp dụng trong lĩnh vực trồng trọt.
Chưa thể nhập khẩu côn trùng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao
Trong khi ĐBSCL chưa áp dụng công nghệ từ Israel thì từ những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Đà Lạt đã quen với công nghệ này. Cái khó của họ, lại nằm ở thủ tục hành chính, khi việc nhập các côn trùng phục vụ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao chưa được cho phép tại Việt Nam.
Côn trùng phục vụ nông nghiệp được chia làm hai loại chính. Loại thứ nhất dùng để giúp cây thụ phấn. Tại hội thảo này, ong nghệ (humble-bee) chính là loại côn trùng được Công ty Biobee, công ty chuyên cung cấp các gói giải pháp phòng chống côn trùng có hại trong nông nghiệp bằng thiên địch, giới thiệu.
Loại thứ hai là các côn trùng được dùng để diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng, thường được gọi tắt là thiên địch.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc công ty Đà Lạt Gap, cho biết nhiều năm công ty rất cần nhập khẩu côn trùng để phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao không dùng hóa chất với mục đích nhằm đáp ứng phân khúc tiêu dùng cao cấp tại Nhật Bản. Tuy nhiên nhiều năm nay Đà Lạt Gap vẫn không thể thực hiện được vì việc nhập khẩu các sinh vật ngoại lai chưa được cho phép tại Việt Nam. Trong khi đó, tại Thái Lan, việc này đang rất phổ biến, ông Cường nói.
Ông Omri Horowitz, Chủ tịch Ban Việt Nam – Israel, thuộc phòng Thương mại Công nghiệp Israel tại châu Á cho biết Israel sẽ thuyết phục cơ quan chính quyền Việt Nam cho nhập khẩu ong nghệ và thiên địch, nhưng đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ với Nhà nước trong vấn đề này.
Ông Nguyễn Hoàng, tỉnh Tây Ninh, người từng gặp khó khăn tương tự như ông Cường, chia sẻ: Để giải quyết vấn đề, doanh nghiệp nhập khẩu côn trùng cần chứng minh được với Cục Bảo vệ Thực vật tính vô hại của côn trùng nhập khẩu thì xem như thành công. Tuy nhiên để chứng minh được, cần phải thực hiện nhiều thí nghiệm, lặp lại nhiều lần, chi phí rất lớn.
Từng trải qua thủ tục này, ông Rami Friedman thuộc Công ty Biobee cho biết họ và các doanh nghiệp Nhật đã mất 3 năm cùng hàng trăm nghìn đô la để thuyết phục chính phủ Nhật cho phép nhập khẩu côn trùng. Trong khi đó, tại Trung Quốc chỉ mất một năm, một số quốc gia khác thậm chí cho nhập ngay trong lần đề xuất đầu tiên.
Đức Tâm/ Thời báo kinh tế Sài Gòn