Người dân trồng tiêu lo lắng khi dịch bệnh lây lan
Ông Nguyễn Năm (ngụ xã Xuân Quế, Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết, gia đình ông trồng tiêu trên vườn nhà rộng 2.000 m2. Từ đầu năm đến nay, liên tục xuất hiện các nhánh tiêu khô héo rồi chết dần khiến chất lượng vườn cây giảm đáng kể.
Gia đình có theo dõi, xịt thuốc trừ bệnh chết nhanh, chết chậm, các loại rệp sáp hại tiêu… nhưng tình trạng tiêu chết vẫn tiếp diễn. “Bình thường, một nọc tiêu có thể cho từ 3 – 5 kg tiêu khô, nhưng nay do dây tiêu chết nhiều, tiêu hao hụt lớn nên mỗi nọc chỉ chưa đầy 1 kg tiêu khô” - ông Năm cho biết.
Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Hồng đang trồng tiêu cạnh vườn ông Năm than thở: “Năm nay thời tiết bất lợi, mưa bão nhiều nên tiêu rụng nhiều. Lúc vừa ra hoa thì gặp bão nên đậu trái ít, đến nay, khi bắt đầu vào mùa thu hoạch thì xuất hiện mưa lớn làm nhiều cuống tiêu rụng tơi tả”.
Trong khi đó, Chi cục BVTV Đồng Nai cũng cho rằng, cây tiêu bị bệnh là do thời gian qua có mưa lớn làm độ ẩm trong vườn tăng đột ngột khiến nhiều loại nấm, sâu bệnh trong đất bùng phát. Biểu hiện của bệnh “chết nhanh, chết chậm” là cây héo, vàng lá, bộ rễ bị chết. Những nọc tiêu mắc bệnh không thể chữa trị và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh “chết nhanh, chết chậm” ở tiêu.
“Cách phòng bệnh cho vườn tiêu hiện nay là giữ vườn thông thoáng, không để nước đọng trong vườn, tại các gốc tiêu. Ngoài ra, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng cách giúp hạn chế lây lan dịch bệnh” - một cán bộ Chi cục BVTV Đồng Nai cho biết.
(Nguồn: Thuận Hải – báo NTNN – ngày 04/01/2013)