1. Các tỉnh phía Bắc
a) Trên lúa
- Bệnh đạo ôn: Bệnh hại lá giảm, có thể phát sinh tăng trên trà muộn; tuy nhiên bệnh đạo ôn hại cổ bông có chiều hướng gia tăng trên trà lúa sớm giai đoạn đòng già - trỗ bông của những diện tích đã có bệnh đạo ôn hại lá, các vùng bị hại nặng hằng năm tại một số tỉnh Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc. Cần theo dõi chặt chẽ và phòng chống bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc “4 đúng” ngay khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi trỗ thoát.
- Rầy nâu - rầy lưng trắng: Tiếp tục tích lũy về mật độ trên các trà lúa và mật độ bắt đầu tăng cao cục bộ ở một số diện tích lúa làm đòng - trỗ bông - chín. Rầy tăng nhanh tại các tỉnh Bắc Trung bộ, nhất là TT - Huế, Quảng Trị và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ và phòng trừ ở những diện tích có mật độ cao.
- Chuột: Tiếp tục phát sinh và gây hại gia tăng trên lúa đòng. Cần tổ chức chỉ đạo và thực hiện đồng loạt ra quân diệt chuột.
- Bệnh lem lép hạt: Bệnh phát sinh tại các vùng thường bị hàng năm tại các tỉnh Bắc Trung bộ; cần phòng chống ngay khi lúa chuẩn bị trỗ bông.
- Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại trên trà lúa đứng cái - trỗ bông; sâu cuốn lá nhỏ phát sinh cục bộ và gây hại nhẹ.
b) Trên mía
Bệnh chồi cỏ tiếp tục gây hại trên ruộng mía lưu gốc tại Nghệ An. Cần vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ nguồn bệnh và thay thế những diện tích mía đã lưu gốc nhiều năm.
2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên
a) Trên lúa
- Trên lúa giai đoạn đòng trỗ - ngậm sữa: Rầy nâu, rầy lưng trắng; bệnh đạo ôn lá, cổ bông và bệnh lem lép thối hạt phát sinh và gây hại gia tăng.
- Trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng: Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá... phát sinh hại nhẹ.
- Chuột: Gây hại cục bộ trên các trà lúa ĐX giai đoạn đòng trỗ và giống gieo lúa XH.
- Trên lúa XH giai đoạn mạ: Bọ trĩ, sâu keo, ốc bươu vàng... phát sinh nhẹ.
- Chuột: gây hại rải rác trên các trà lúa ĐX giai đoạn đòng trỗ và giống gieo lúa XH.
b) Trên cây trồng khác
- Bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành, rệp... tiếp tục hại phổ biến trên cà phê ở Tây Nguyên.
- Tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá, thối rễ, rệp sáp gốc, bệnh thán thư... hại tiêu chủ yếu ở Tây Nguyên giai đoạn chắc quả - thu hoạch.
3. Các tỉnh phía Nam
- Rầy nâu phổ biến ở giai đoạn trưởng thành mang trứng và đến cuối tháng rầy bắt đầu nở.
Hiện nay, bệnh VL - LXL xuất hiện trở lại vì vậy nguy cơ rầy nâu di trú lan truyền bệnh cho lúa HT là rất lớn. Do vậy các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu vào đèn để có biện pháp quản lý ruộng mạ thật tốt; đồng thời áp dụng việc xuống giống ”né rầy” thật hiệu quả cho các diện tích lúa HT còn lại. Đồng thời, vệ sinh đồng ruộng, cày ải đảm bảo thời gian cách ly nguồn bệnh, áp dụng canh tác lúa “3 giảm 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), công nghệ sinh thái.
- Bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh và gây hại nhẹ trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Kiểm tra ruộng thường xuyên để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Ngoài ra, cần lưu ý đến các đối tượng như bọ trĩ, rầy phấn trắng trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh nhất là trên những ruộng khô thiếu nước. Chú ý chuột gây hại những ruộng mới gieo sạ. Cần phát động nông dân hưởng ứng phong trào diệt chuột.
CỤC BVTV