b. Trên cây vụ đông:
Cây ngô: bệnh lùn sọc đen, sâu cắn lá, khô vằn, sâu đục thân, rệp cờ... tiếp tục phát sinh gây hại. Cây rau họ hoa thập tự: sâu xanh, bọ nhảy hại tăng; rệp, sâu khoang, sâu tơ, bệnh sương mai. Cây cà chua, khoai tây bệnh héo xanh, bệnh xoăn lá, héo vàng, nhện, bọ trĩ. Trên cây đậu tương: bệnh sương mai, ruồi đục thân, lở cổ rễ, sâu đục quả, chuột... tiếp tục hại.
Tiếp tục theo dõi sâu bệnh trên các cây trồng, phun thuốc phòng trừ nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao. Đặc biệt chú ý bệnh lùn sọc đen trên ngô, những diện tích bị nhiễm bệnh cần tiến hành nhổ bỏ và tiêu huỷ. Triển khai thực hiện công điện số 21/CĐ-BNN-BVTV ngày 08/11/2010 về việc tăng cường phòng trừ chuột, bảo vệ mùa màng.
c. Cây ăn quả và cây công nghiệp:
Cây có múi: bệnh Greening tiếp tục gây hại đặc biệt những vườn cam già cỗi, chăm sóc kém, không thoát nước. Nhện các loại, bệnh chảy gôm, loét, sẹo, muội đen... tiếp tục phát sinh gây hại ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Mía: bệnh chồi cỏ, bọ hung, rệp xơ trắng, sâu đục thân... tiếp tục gây hại.
2. Nam Trung bộ và Tây Nguyên
a. Trên lúa:
Bệnh đạo ôn, bệnh lem lép thối hạt, sâu đục thân... tiếp tục gây hại trên lúa lỡ vụ giai đoạn đòng trổ - chín. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn... phát sinh hại cục bộ trên lúa đông xuân sớm giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Chuột: hại cục bộ giống gieo lúa đông xuân đại trà. Ốc bươu vàng: hại rải rác trên lúa đông xuân giai đoạn mạ.
b. Trên cây công nghiệp và cây ăn quả:
Bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành, rệp, nấm hồng... trên cà phê. Tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá - thối rễ, rệp sáp... hại tiêu và sâu đục nõn, sâu phỏng lá, bọ xít muỗi, thán thư… hại trên cây điều. Sâu đục thân, rệp, bệnh than, bệnh rỉ sắt... rải rác hại cục bộ mía tích lũy đường. Sâu non bọ hung và xén tóc hại cục bộ mía vùng ổ dịch ở Gia Lai.
3. Các tỉnh phía Nam
Tuần tới rầy nâu sẽ tiếp tục nở rộ. Cần kiểm tra, theo dõi chặt diễn biến rầy nâu trên ruộng lúa, nhất là lúa đang giai đoạn làm đòng đến trổ. Chỉ phun thuốc trừ rầy khi thấy rầy cám nở rộ với mật số cao để rầy nâu không tiếp tục tích luỹ mật số và gây hại ở lứa sau. Tránh trường hợp phun ngừa và phun thuốc ngay khi rầy cám vừa mới nở rải rác sẽ không đạt hiệu quả cao. Theo dõi chặt chẽ rầy vào đèn và diễn biến rầy ngoài đồng để dự báo lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy ở địa phương.
Dựa vào tình hình thời tiết hiện nay có sương mù nhẹ, thời tiết chuyển lạnh dần thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh phát triển, do vậy cán bộ kỹ thuật các tỉnh cần khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm bệnh để phòng trị kịp thời bằng thuốc đặc trị. Về bệnh đạo ôn cổ bông có thể phun ngừa trước và sau trổ 7 ngày.