Chân ruộng nhiễm rầy
1. Các tỉnh phía Bắc
Trên lúa:
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Tiếp tục gia tăng mật độ trên trà lúa trỗ - chín; gây vàng lá, cháy rầy cục bộ ở những diện tích có mật độ cao. Cần theo dõi chặt và phòng trừ sớm ở những nơi có mật độ cao.
- Sâu đục thân 2 chấm: Tiếp tục gây hại trên lúa trà muộn giai đoạn trỗ - ngậm sữa ở đồng bằng và trung du phía Bắc; mức độ gây hại nhẹ đến trung bình, nặng cục bộ. Tập trung theo dõi và phòng trừ kịp thời ngay từ khi lúa đòng già - chuẩn bị trỗ hoặc khi trứng rộ.
- Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn: Tiếp tục phát sinh tăng trên giống nhiễm và các vùng thường nhiễm nặng, nhất là sau mưa ẩm, những vùng bón thừa đạm. Bệnh có thể sẽ tiếp tục lây lan, gây hại nặng sau các đợt mưa rào kèm theo gió lớn. Hạn chế bón phân đạm, phân bón qua lá thúc đòng, nuôi hạt để hạn chế bệnh.
- Ngoài ra, theo dõi và phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ trên trà lúa muộn; sâu, bệnh hại bông, hạt như nhện gié, bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn trên lúa đòng già - trỗ bông và một số sâu, bệnh khác.
2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên
- Lúa HT muộn: Sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt... tiếp tục gây hại. Cần chú ý sâu cuốn lá nhỏ hại cục bộ lá đòng trên lúa đòng - trỗ.
- Lúa mùa - vụ 3 giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái: Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đốm nâu nghẹt rễ... rải rác hại nhẹ.