Vết bệnh khô vằn trên toàn bộ cây lúa
1) Các tỉnh phía Bắc
Trên lúa:
- Theo dõi và phòng trừ sâu, bệnh hại bông, hạt như nhện gié, bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn trên chắc xanh - đỏ đuôi.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Tiếp tục gây hại cục bộ trên trà lúa muộn tại các tỉnh khu vực Bắc bộ. Cần theo dõi chặt và phòng trừ kịp thời nơi có mật độ cao.
2) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên
- Bệnh khô vằn, bệnh lem thối hạt... tiếp tục phát sinh gây hại nhẹ chủ yếu trên lúa mùa và một số diện tích lúa vụ 3, lúa HT cực muộn.
- Sâu cuốn lá nhỏ đợt phát sinh giữa - cuối tháng 10/2014 gia tăng gây hại chủ yếu trên lúa mùa, lúa rẫy giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, hại nặng và gây trắng lá cục bộ những ruộng xanh tốt do bón thừa đạm. Cần tập trung theo dõi và phòng trừ kịp thời.
- Bệnh đạo ôn hại lá, cổ bông phát sinh hại chủ yếu lúa rẫy ở Tây Nguyên và rải rác trên một số diện tích lúa mùa ở đồng bằng.
- Các đối tượng sâu bệnh khác như chuột, sâu keo, bọ trĩ... hại chủ yếu lúa mùa muộn giai đoạn mạ - đẻ nhánh - trỗ chắc.
3) Các tỉnh phía Nam
- Rầy nâu trên đồng phổ biến giai đoạn trưởng thành, di trú dự kiến mật độ không cao, ở mức độ từ nhẹ - trung bình do điều kiện thời tiết hiện nay bất lợi cho rầy nâu.
Những vùng chuẩn bị cấy lúa mùa 2014 và gieo sạ lúa ĐX sớm 2014 - 2015: Cần theo dõi dự báo tình hình rầy di trú ở địa phương và diễn biến của thuỷ văn để xuống giống lúa ĐX sớm theo hướng "né rầy".
- Do ảnh hưởng của thời tiết sáng sớm có sương mù, mưa thường xuất hiện vào chiều tối là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh phát triển trên lúa TĐ - mùa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trỗ. Đối với những ruộng lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên lá cần tích cực phòng trừ, ngừng bón đạm, các loại phân phun qua lá và sử dụng thuốc đặc trị để trừ.
- Lưu ý phòng ngừa tốt đối với ốc bươu vàng đặc biệt đối với lúa mới sạ < 15 ngày và những ruộng khó thoát nước; sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng. Các đối tượng khác xuất hiện và gây hại thấp.
4) Trên cây trồng khác
- Cây vụ đông: Tổ chức diệt trừ chuột. Lên luống, làm rãnh thoát nước, bổ sung phân lân để hạn chế bệnh chân chì, huyết dụ ở giai đoạn cây còn nhỏ. Theo dõi và phòng trừ sâu đục thân đậu tương; châu chấu, sâu xám, sâu cắn lá hại ngô; sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy... hại rau.
Cây sắn: Rệp sáp bột hồng tiếp tục gây hại, diện tích nhiễm tăng chậm; bệnh chổi rồng tiếp tục hại cục bộ sắn giai đoạn củ to - thu hoạch.
Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục hại.
Cây thanh long: Bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long có xu hướng giảm về diện tích bị nhiễm bệnh.
Cây nhãn: Bệnh chổi rồng tiếp tục hại, diện tích nhiễm có xu hướng giảm.
Cục BVTV/ nongnghiep.vn