Nước ta mới bước vào nền kinh tế thị trường, dù có doanh nghiệp tạo được liên kết tốt để cung ứng ra thị trường sản phẩm có thương hiệu song phần lớn việc liên kết từ SX đến tiêu thụ còn lỏng lẻo, kém hiệu quả.
Hậu quả là họ đưa ra những sản phẩm chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu thị trường, dẫn tới mất lòng tin của người tiêu dùng. Ta có thể tạm chia một số nhân tố chính tác động đến chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp như sau: SX => Trung gian phân phối => Kênh bán lẻ => Người tiêu dùng.
Nông dân rất cần củng cố liên kết với doanh nghiệp
Hiện trạng liên kết và nội tại của các nhân tố
- Người SX là người trực tiếp tạo ra sản phẩm nông nghiệp bao gồm những người SX nhỏ lẻ, tổ dịch vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp, công nhân làm thuê cho DN. Trước áp lực và nhu cầu của thị trường, nhiều liên kết ngang được hình thành giữa những người SX với nhau tạo thành các tổ, nhóm, HTX dịch vụ... nhằm tạo ra số lượng sản phẩm đủ lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để đáp ứng các đơn hàng của các trung gian phân phối.
Trên địa bàn Hà Nội, điển hình là HTXNN An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tổ dịch vụ SX rau an toàn VietGAP Tiền Lệ - Hoài Đức, Văn Đức - Gia Lâm, tổ dịch vụ SX rau hữu cơ Thanh Xuân - Sóc Sơn... Ruộng đất nhỏ lẻ manh mún, cơ sở hạ tầng SX chưa đồng bộ cùng với tư tưởng SX nhỏ của nông dân đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời. Sản phẩm SX ra mất cân đối cung cầu của thị trường.
Điệp khúc “được mùa - rớt giá’’ và “ít thiếu - nhiều thừa’’ thường xuyên tái diễn. Giá trị đem về cho người SX thường thấp, họ bằng lòng với việc “lấy công làm lãi’’. Liên kết giữa người SX với DN thường hay bị phá vỡ từ phía người SX, khi giá cả thị trường cao hơn với cam kết ban đầu.
Với người SX không thực hiện cam kết, họ tìm mọi cách để bán sản phẩm của mình ra ngoài mà không cấp đủ cho DN; bên cạnh đó vẫn còn tình trạng trà trộn hàng hóa kém chất lượng vào sản phẩm tốt cung cấp cho DN dẫn đến nhiều phen DN điêu đứng.
- Trung gian phân phối là các DN, thương lái thu mua sản phẩm cho người SX. Đặc thù của ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết và dịch bệnh. Mặt khác chính sách hỗ trợ chưa thu hút được nhiều DN lớn vào đầu tư nên trong ngành hàng nông nghiệp chủ yếu là DN nhỏ và đặc biệt là đông đảo đội ngũ thương lái nắm bắt thị trường.
DN chưa đủ lớn nên sự liên kết với người SX còn hạn chế, công tác xây dựng quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại chưa được chú trọng. Mặc dù như vậy nhưng tại Hà Nội đã có nhiều dạng hình liên kết từ cấp thấp đến cấp cao của DN làm trung gian phân phối với người SX, cụ thể như sau:
+ Phương thức “thuận mua - vừa bán’’: Phương thức này chủ yếu là do các thương lái và số ít DN nhỏ khi thấy thông tin ở đâu SX ra sản phẩm thì đến đó mua hàng với phương thức “thuận mua - vừa bán’’. Với phương thức này do không đầu tư cho người SX nên việc kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào và yêu cầu chất lượng sản phẩm đầu ra không được chú trọng mà chủ yếu quan tâm đến sản phẩm làm sao “bắt mắt’’ là được; sản phẩm qua kênh này chất lượng thường không cao và bị cạnh tranh về giá.
+ Liên kết dưới hình thức đặt đơn hàng: Phương thức này chủ yếu là DN nhỏ và số ít thương lái đặt hàng người SX cung cấp cho sản phẩm đúng theo yêu cầu hợp đồng đã ký kết. Với hình thức này DN thường phải kiểm soát kỹ sản phẩm trước khi giao nhận. Tuy nhiên liên kết này dễ bị phá vỡ từ người SX khi giá thị trường lên cao hoặc từ phía DN khi giá xuống thấp.
+ Liên kết hỗ trợ vùng nguyên liệu: DN lớn đầu tư hỗ trợ cho người SX về mặt tài chính, kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu. Điển hình cho liên kết này là thành công của Cty cổ phần Sữa quốc tế IDP.
+ Liên kết gia công sản phẩm: DN cung cấp đầy đủ giống vật tư và cán bộ kỹ thuật chỉ đạo SX trực tiếp tại cơ sở. Với phương thức liên kết này sản phẩm của DN đưa ra thị trường sẽ khẳng định được chất lượng và thương hiệu. Công việc kiểm soát được thực hiện ngay trong quá trình SX. Đây là liên kết thành công nhiều năm của Cty C.P Thái Lan tại Hà Nội.
+ Liên kết sàn giao dịch kết nối: Mô hình liên kết duy trì được trên cơ sở phải minh bạch thông tin, chi phí, lợi nhuận của từng bộ phận. Hiện nay tại Hà Nội đã có một số sàn giao dịch kết nối hoạt động quy mô nhỏ bước đầu hoạt động tốt .
+ Kênh bán lẻ: Các cửa hàng đại lý bán theo giá quy định, trung gian phân phối quy định giá bán của cửa hàng và chiết khấu phần trăm hoa hồng cho người bán hàng. Tuy nhiên với những đại lý không trung thành dễ thay đổi khi đối thủ cạnh tranh có mức chiết khấu % hoa hồng sản phẩm hấp dẫn hơn.
Cửa hàng bán là kênh đang chiếm thị phần lớn trên thị trường, gồm các cửa hàng bán lẻ và quầy hàng tại các chợ dân sinh. Việc quản lý chất lượng, thương hiệu sản phẩm là vấn đề đặt ra với các cửa hàng bán lẻ này.
- Người tiêu dùng: Bao gồm những khách hàng tập thể mua sản phẩm phục vụ các bếp ăn tập thể và người tiêu dùng cuối cùng mua các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân và gia định họ. Đối với khách hàng tập thể rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm, do vậy họ thường liên kết với DN làm trung gian phân phối hoặc trực tiếp gặp người SX có uy tín để cung cấp các sản phẩm phục vụ bếp ăn của họ.
Đối với khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng do những bất cập trong chuỗi liên kết nên nhiều người đã không tin tưởng và chất lượng sản phẩm mà người SXKD đem lại cho họ. Đã có một bộ phận không nhỏ họ tự SX hoặc thuê, mượn các người thân ở khu vực nông thôn SX ra các sản phẩm cung cấp cho mình. Đây là một cảnh báo cho người SXKD cần sớm khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
Giải pháp thúc đẩy củng cố các liên kết
Qua đánh giá thực trạng thì liên kết của DN với người SX theo phương pháp phát triển vùng nguyên liệu và gia công sản phẩm là bền vững nhất, nó vừa định hướng được chiến lược SX và thể hiện được vai trò hạt nhân của DN trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đối với kênh bán lẻ hoạt động theo hình thức cửa hàng giới thiệu sản phẩm của DN và đại lý bán đúng giá sẽ khẳng định uy tín với người tiêu dùng.
Riêng liên kết theo kiểu sàn giao dịch kết nối thì bước đầu hoạt động có hiệu quả nhưng cần theo dõi và đánh giá thêm. Như vậy để chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hoạt động hiệu quả thì nội tại từng bộ phận không ngừng hoàn thiện để cho chuỗi phát triển bền vững.
- Người SX: Tăng cường liên kết thành các tổ, nhóm, HTX dịch vụ nhằm tạo ra nhiều sản phẩm tốt đáp ứng các đơn hàng của các DN trung gian phân phối.
- DN trung gian phân phối: Tăng cường kiểm soát nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại. Liên kết với DN cung ứng vật tư đầu vào để hỗ trợ SX đồng thời đầu tư hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho người SX phát triển mở rộng vùng nguyên liệu.
- Kênh bán lẻ: Giữ uy tín thương hiệu cho cả chuỗi giá trị. Phản hồi kịp thời thông tin từ thị trường tới trung gian phân phối để điều chỉnh SXKD kịp thời hiệu quả. Chia sẻ khó khăn thuận lợi cho cả hệ thống.
Đề xuất, kiến nghị
Cần xây dựng các dạng mô hình thí điểm liên kết từ SX đến tiêu thụ sản phẩm để xác định các khâu còn yếu trong cả chuỗi, từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý cho chuỗi phát triển bền vững, làm cơ sở đánh giá tổng kết, nhân ra diện rộng. Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ thỏa đáng để thu hút nhiều DN lớn đầu tư vào SXKD sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy ngành hàng nông nghiệp phát triển.
(Nguồn Báo NNVN 21/01/2013)