VietGAP bưởi da xanh
Ông Bùi Văn Chỉnh, tổ trưởng Tổ hợp tác SX bưởi da xanh Phú Thành (Quới Sơn) cho biết: "Do thị trường đòi hỏi trái cây phải ngon và không có dư lượng thuốc BVTV. Từ đó, tổ chúng tôi quyết định SX bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP dưới sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.
Người trồng phải tuân thủ việc SX sạch theo quy trình quản lý vệ sinh môi trường, có sơ đồ vườn, từng lô, từng loại cây, nắm rõ phương pháp quản lý sổ sách, ghi nhật ký SX từng việc cụ thể (chăm sóc vườn, thu hoạch trái, bón phân, xịt thuốc trừ sâu) và thanh tra nội bộ".
Từ các nguyên tắc cơ bản nêu trên, nông dân phải làm nhà vệ sinh tự hoại để hạn chế ô nhiễm môi trường, xây nhà kho chứa phân - thuốc. Mỗi hộ phải có tủ, kệ đựng thuốc BVTV, chỗ cất giữ dụng cụ làm vườn, tủ thuốc y tế gia đình, nhà tắm sau khi xịt thuốc, chỗ xúc rửa bình xịt thuốc, hố đốt rác thải, sổ ghi chép ngày bón phân, xịt thuốc, thu hoạch.
“Để các thành viên trong tổ SX trái bưởi da xanh thực hiện đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho chúng tôi”, ông Đào Văn Minh, tổ phó phấn khởi nói.
Thu hoạch chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP
Theo ThS Võ Hữu Thoại, Trưởng phòng Khoa học & hợp tác quốc tế (Viện CĂQ miền Nam), đến nay Tổ hợp tác SX bưởi da xanh Phú Thành đã có 12 thành viên được cấp chứng nhận VietGAP số CF/20-01.71.5223 do Cty Giám định & khử trùng FFC (Cục BVTV) cấp.
"Chỉ sau 2 năm miệt mài SX theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều thành viên đã thắng lớn nhờ giá cao. Riêng dịp tết Nguyên đán Tân Mão 2011, tôi thu hoạch 2,7 tấn bưởi da xanh, sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn gần 45 triệu đồng. Đó cũng là nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP”, ông Minh cho biết thêm.
VietGAP chôm chôm
Từ thắng lợi của VietGAP cho bưởi da xanh Phú Thành, 22 hộ trồng chôm chôm ở xã Tiên Long cũng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP do Viện Nghiên cứu CĂQ miền Nam hướng dẫn. Sau đó, 2 hộ ở xã Tiên Thủy và Tân Phú cũng đăng ký tham gia. Đến tháng 10/2011, 24/24 hộ này được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hộ ông Phùng Văn Thắm, ấp Tiên Phú 1 có diện tích chôm chôm nhiều nhất, tới 25 công (mỗi công 1.000 m2). “Từ năm 1993 trở về trước, nông dân nơi đây chủ yếu làm ruộng. Đến năm 1994, chuyển sang trồng cam, quýt. Năm 1996 bị thất bại, nhà vườn chúng tôi chuyển sang trồng chôm chôm. Trước khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, chôm chôm có lúc rẻ như cho. Nhờ có VietGAP mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 75 tấn trái, bán rất được giá, từ 20.000 - 28.000 đ/kg”, ông Thắm kể.
Theo ông Trần Văn Beo ở ấp Tiên Phú 1, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX Tiên Phú, 24 hộ tham gia đều thực hiện đúng tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi hộ tham gia phải tuân thủ hồ sơ gồm 15 yêu cầu: Sơ đồ vườn trồng, sử dụng phân bón, dự trữ hóa chất, thuốc BVTV, kế hoạch phun thuốc, phân tích độ ẩm của đất, kiểm tra nội bộ vườn, kế hoạch khắc phục.
Đó là một phần trong tiêu chuẩn VietGAP. Còn toàn bộ quy trình SX gồm những yêu cầu chính: Truy vết, hồ sơ lưu trữ, cây trồng, gốc ghép, lịch sử đất đai, quản lý đất trồng, chất phụ gia của đất, sử dụng phân bón, tưới tiêu, bón phân qua hệ thống tưới nước, BVTV, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, quản lý phế phẩm và chất gây ô nhiễm, sức khỏe và an toàn cho người lao động, các vấn đề môi trường.
Hiện sản phẩm chôm chôm của Tổ hợp tác SX Tiên Phú còn được xuất sang Mỹ thông qua Cty Thiên Ân ở Tiền Giang. Cái được của tổ là chôm chôm bán tận gốc, giá mua tận ngọn, chỉ qua một thương lái. Do đó nhà vườn được hưởng lợi nhuận cao. Cũng nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP mà giá bán chôm chôm cao hơn 20% so với SX thông thường. "Từ khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay, tổ đã xuất đi Mỹ 63 tấn chôm chôm”, ông Beo khẳng định.
Muốn vươn xa, phải đạt VietGAP
"Để hai loại trái cây này bảo đảm chất lượng đúng tiêu chuẩn VietGAP theo hướng bền vững, Cty Giám định & khử trùng FFC phải giám sát thường xuyên về quy trình SX. Cứ sau một năm phải kiểm tra, tái chứng nhận định kỳ", ông Châu đề nghị. |
Theo ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành: “Tổng diện tích vườn cây ăn trái của huyện khoảng 9.000 ha. Trong đó, bưởi da xanh 1.300 ha, chôm chôm 1.900 ha, nhãn 2.300 ha, sầu riêng 800 ha... Bốn loại trái cây này đang được nhà vườn từng bước mở rộng SX theo tiêu chuẩn VietGAP”.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam): "Hiện SX trái cây theo hướng chất lượng và an toàn được nhiều nước quan tâm, nhất là ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước khác như Newzeland, Nhật Bản… Họ đặt ra các tiêu chuẩn quy định để buộc sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia khác đạt tiêu chuẩn (ngon, an toàn) trước khi vào thị trường của họ nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Cho nên trái cây của VN nói chung và Bến Tre nói riêng phải được chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Tôi rất mừng vì một số sản phẩm bưởi da xanh và chôm chôm ở Châu Thành được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sạch ung dung vào thị trường thế giới".
(Nguồn: báo NNVN - ngày 25/10/2012)