Diện tích canh tác các loại cây trồng biến đổi gen đã tăng rất nhanh trong các năm qua. Đơn vị tính: triệu héc ta (cột trái) Ảnh: Wikipedia
Đây là vấn đề được đại diện các nước đưa ra thảo luận tại hội nghị Công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương do tổ chức Croplife Asia tổ chức ngày 4-3 tại Manila, Philippines.
Hội nghị có sự tham gia của các quốc gia trong khu vực: Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Pakistan, Philippines. Trong số này, có 4 nước đang trồng đại trà cây trồng biến đổi gen là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Philippines.
Theo Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), cây trồng công nghệ sinh học, hay còn được hiểu là cây trồng biến đổi gen, đang tỏ ra một công cụ hữu ích cho những nông dân nghèo, những người phải đối mặt với nguồn cung cấp nước suy giảm và áp lực gia tăng về cỏ dại và sâu bệnh.
Tính đến hết năm 2013 diện tích cây trồng biến đổi gen tại các nước đang phát triển đã vượt qua các nước phát triển. Cụ thể, trong số 18 triệu nông dân ở 27 nước lựa chọn cây trồng công nghệ sinh học thì 8 nước đang phát triển đã có khoảng 81,1 triệu héc ta trồng cây biến đổi gen trong tổng số 175,2 triệu héc ta được trồng các loại cây này.
Theo ISAAA ,chiến lược đảm bảo an ninh lương thực bao gồm các biện pháp ổn định dân số tại các nước đang phát triển, giảm lãng phí trong sử dụng thức ăn, nâng cao năng suất cây trồng bằng cách kết hợp giữ công nghệ thông thường và công nghệ sinh học để tối đa hóa sản lượng.
Đại diện các quốc gia tham gia hội thảo cho rằng, dù cây trồng biến đổi gen đang bị người dân những nước này phản đối, nhưng trước áp lực về sâu bệnh, năng suất... các nhà hoạch định chính sách không sớm thì muộn cũng phải có luật lệ để cây trồng biến đổi gen được trồng đại trà nhằm tránh sự phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu.
Đây chính là cơ sở để ISAAA tin rằng, trong những năm tới diện tích trồng cây trồng biến đổi gen sẽ tiếp tục tăng lên.
Một cuộc khảo sát của ISAAA cho thấy, gần 100% nông dân thử trồng cây trồng biến đổi gen trả lời sẽ tiếp tục trồng các loại cây trồng này trong những vụ tiếp theo.
Cây trồng biến đổi gen được trồng lần đầu tiên vào năm 1996 với tổng diện tích trên toàn cầu là 1,7 triệu héc ta và tăng lên hơn 100 lần, đạt mức 175,2 triệu héc ta năm 2013. Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu về diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen với 70,2 triệu héc ta, chiếm 40% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu. Những cây trồng biến đổi gen đang được trồng phổ biến hiện nay là đậu tương (đậu nành), bắp (ngô), củ cải đường, bông, cà tím…
Croplife Asia là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học do 8 công ty là Bayer CropScinence, FMC, Dow AgroSciences, Basf, Sumitomo Chemical, đặc biệt là hai công ty đứng hàng đầu thế giới về sản xuất giống cây trồng biến đội gen là Monsanto và Syngenta.
Ngọc Hùng/ TBKTSG