Đó là khẳng định của bà Shakilla Shahjihan, GĐ Đối ngoại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Cty Monsanto) tại hội thảo “Vai trò cây trồng CNSH trong phát triển nông nghiệp bền vững” do Cty Mosanto phối hợp với ĐH Nông lâm TPHCM vừa tổ chức.
TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG GM
Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp (ISAAA), từ năm 1996-2010, diện tích cây trồng biến đổi gen (GM) đã góp phần tích cực đảm bảo tăng cường an ninh lương thực và phát triển bền vững, khắc phục biến đổi khí hậu…
Cụ thể chỉ riêng trong năm 2010, việc nghiên cứu về GM đã nâng cao sản lượng cây trồng lên 78,4 tỷ USD, đồng thời góp phần tiết kiệm được hàng trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu nhằm cải thiện tốt cho môi trường và giảm tới 19 tỷ cân khí CO2 (tương ứng với lượng khí thải của gần 9 triệu xe ô tô vận hành trên đường). Đồng thời hướng tới đa dạng sinh học góp phần bảo tồn 91 triệu ha rừng, giúp xóa đói giảm nghèo cho 15 triệu nông dân trên toàn thế giới.
TS. Rashmi Nair, GĐ Chính sách & pháp chế các thị trường đang phát triển (Cty Monsanto) chia sẻ: “Hàng trăm triệu bữa ăn hàng ngày của người dân trên thế giới đều có thành phần từ GM. Kể từ khi được thương mại hóa (1996) đến nay chưa hề thấy loại GM nào gây ra các loại bệnh nguy hiểm cho con người”.
"Tất cả GM trên toàn thế giới đều được kiểm định an toàn để dùng cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ở các nước phát triển. Hiện có rất nhiều nước đang nhập khẩu các loại thức ăn hoặc nguyên liệu SX TĂCN từ các sản phẩm biến đổi gen", TS. Rashmi Nair khẳng định.
GM đang được mở rộng diện tích ở nhiều quốc gia
Năm 2011 là năm thứ 16 GM được đưa vào ứng dụng. TBKT này được ứng dụng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử phát triển nông nghiệp thế giới (từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 160 triệu ha năm 2011). Trong chiến lược phát triển GM ở VN, Bộ NN-PTNT cũng đã định hướng ưu tiên phát triển với 3 đối tượng cây trồng, đó là ngô, bông và đậu tương. Thực tế trong cơ cấu nông nghiệp nước ta, ngô là cây trồng có diện tích canh tác lớn thứ 2 sau cây lúa (khoảng 1,1 triệu ha), chủ yếu trên đất dốc, tỷ lệ sử dụng giống lai lên tới trên 90%.
Tiềm năng ứng dụng ngô CNSH sẽ cải thiện đáng kể sản lượng cũng như chất lượng ngô thương phẩm, góp phần ổn định nguồn nguyên liệu TĂCN; nâng cao thu nhập cho nông dân nhờ sản lượng cao hơn, chất lượng tốt hơn, với chi phí đầu tư hợp lý. Về lâu dài, sẽ giải được bài toán bảo vệ tài nguyên đất dốc, phát triển bền vững nhờ giảm thiểu xói mòn, rửa trôi thông qua áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu cùng với ngô chống chịu thuốc diệt cỏ.
Theo bà Linh, để đảm bảo an ninh lương thực tốt, cần phải giữ được 2 vụ lúa (khoảng 3,8 triệu ha) ở điều kiện đủ nước tốt nhất; đồng thời nên duy trì sản lượng 43 triệu tấn lúa/năm; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; đầu tư nghiên cứu phát triển và áp dụng giống GM cho năng suất cao. |
ThS Tôn Bảo Linh, giảng viên Khoa CNSH, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhấn mạnh: “Về vấn đề an ninh lương thực ở VN đang rất được quan tâm khi diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm (khoảng 1.000 ha/năm), trong đó chiếm phần lớn là diện tích đất nông nghiệp. Dân số ngày một tăng thì thực trạng suy dinh dưỡng của trẻ em VN cũng được xem là cao nhất thế giới…”.
"NHÀ TẠO GIỐNG TƯƠNG LAI"
Theo ISAAA, đến nay trên thế giới đã có khoảng 29 nước ứng dụng GM, hiệu quả đem lại từ GM cho các nước này là rất lớn. VN cũng đang có hướng ủng hộ GM, nhưng vẫn khá thận trọng, nhìn nhận vấn đề khách quan, có sự đánh giá đúng mức và toàn diện không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn ở xã hội để có cách làm tốt nhất.
Tại các cuộc hội thảo gần đây, Bộ NN-PTNT đã công bố chiến lược phát triển GM đến năm 2020 phấn đấu sẽ đưa các cây bắp, bông và đậu nành biến đổi gen đạt 50% diện tích đất trồng các loại cây này. Đây cũng được xem là giải pháp đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình dân số tăng nhanh và diện tích đất canh tác có khuynh hướng bị thu hẹp.
VN cũng đã tiến hành nhiều khảo nghiệm GM do Cty Mosanto và Syngenta thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Chính- GĐ Đối ngoại Cty TNHH Dekalb VN cho biết: “Việc Mosanto tiến hành khảo nghiệm GM trong vòng 2 năm qua trên cây ngô nhằm đánh giá an toàn sinh học đối với loại cây trồng này và chúng tôi mong muốn phát triển tại VN.
Khu vực khảo nghiệm giống bắp chuyển gen của Cty Syngenta tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để có thể đưa những giống ngô này đến người dân. Trong đó, vai trò tiên quyết thuộc về các cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện quy trình pháp lý, phê chuẩn việc thương mại hóa các giống ngô này”.
Để đạt được mục tiêu đó, theo bà Shakilla Shahjihan, Mosanto quyết định tài trợ 10 triệu USD cho chương trình học bổng MBBISP, tạo cơ hội học tập và nghiên cứu cho các đối tượng ở cấp độ tiến sĩ trên toàn cầu (trong đó có VN) về 2 loại cây trồng quan trọng là tạo giống lúa gạo và lúa mỳ. |
Cũng theo ông Chính, Mosanto đã tiến hành nhiều điểm khảo nghiệm cây trồng chuyển gen (từ 2010-2011) trên cả diện hẹp và diện rộng tại 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Sơn La, Đăk Lăk và Bà Rịa- Vũng Tàu. Tháng 9/2011, việc khảo nghiệm đã kết thúc và thu được kết quả rất khả quan về việc đánh giá an toàn với môi trường. Thực tế ghi nhận được trên giống ngô nếp lai đơn F1 Milky 36 chuyển gen, do Cty Monsanto của Mỹ lai tạo, đã trình diễn trên diện tích 2 ha trong vụ đông 2011 ở tỉnh Vĩnh Phúc cho kết quả rất cao, tăng trên 20% năng suất, sản lượng...
Theo các chuyên gia, về lâu dài, ứng dụng GM sẽ giải được bài toán bảo vệ tài nguyên đất dốc nhờ giảm thiểu xói mòn, rửa trôi thông qua kỹ thuật làm đất tối thiểu khi ứng dụng công nghệ ngô chống chịu thuốc diệt cỏ... Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư SX thông qua đối tác công-tư nhằm ứng dụng GM thuận lợi, nâng cao giá trị của chuỗi SX hàng hóa.
Đề cập đến hiệu quả từ các loại giống GM trong thực tiễn ứng dụng, bà Shakilla Shahjihan, GĐ Đối ngoại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Cty Monsanto) cho biết: “Mục tiêu quan trọng nhất trong cam kết của chúng tôi là sẽ giúp nông dân VN nói riêng, trên toàn thế giới noi chung có thể tăng gấp đôi năng suất, sản lượng cây trồng khi sử dụng các loại giống của Mosanto cung cấp và thực hiện theo mọi khuyến cáo kỹ thuật…”.
(Nguồn: Minh Sáng – báo NNVN – ngày 23/10/2012)