Tham gia mô hình, nông dân được cán bộ kỹ thuật khuyến cáo sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo nguyên tắc 4 đúng, nên hạn chế sâu bệnh gây hại, đảm bảo năng suất lúa, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, cánh đồng mẫu cũng đã thử nghiệm mô hình “Quản lý rầy nâu bằng thuốc sinh học kết hợp công nghệ sinh thái” (trồng hoa xung quanh bờ ruộng nhằm thu hút thiên địch, tiêu diệt những loại rầy có hại và sử dụng nấm xanh vi sinh do Viện lúa ĐBSCL tài trợ để khống chế rầy nâu) trên diện tích 10ha... Bước đầu đã thu được kết quả cao, các thửa ruộng trong cánh đồng mẫu ít nhiễm bệnh hơn ruộng ngoài mô hình, không đổ ngã, giảm phun thuốc trừ sâu.
Do sử dụng duy nhất hai giống lúa, xuống giống đồng loạt và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên lúa trên cánh đồng mẫu chín đều và có năng suất cao. Đặc biệt, chi phí thấp, do giảm lượng phun thuốc trừ sâu, phân bón và lợi nhuận cũng cao hơn so với cùng diện tích lúa canh tác thông thường trước đây. Theo các hộ nông dân canh tác lúa theo mô hình này rất hiệu quả, vì ngoài việc giảm được 50% lúa giống còn giảm được từ 2 đến 3 lần phun thuốc hóa học. Đồng thời, giá thành sản xuất lúa trong mô hình cũng giảm hơn so với ngoài mô hình. Cụ thể, giá thành sản xuất lúa của nông dân tham gia mô hình là 1.981 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lúa của nông dân ngoài mô hình là 2.290 đồng/kg, lợi nhuận trong mô hình trên 33 triệu đồng/ha, lợi nhuận ngoài mô hình chỉ 31 triệu đồng/ha.
Dì Lê Ngọc Bạch - thành viên tham gia THT cánh đồng hiện đại cho biết, so ra năng suất lúa nằm ngoài mô hình thấp hơn diện tích lúa trong mô hình từ 3-4 giạ/công. Mùa tới, dì sẽ áp dụng toàn bộ diện tích lúa theo mô hình cánh đồng hiện đại để tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm. Cùng nằm trong diện tích gieo sạ theo hướng hiện đại, ông Trần Văn Chính cho biết, sau khi trừ các khoản chi phí, 1ha lúa có thể thu được lợi nhuận trên 30 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Bảy - P.Chủ tịch UBND xã Đốc Binh Kiều cho biết: “Vụ đông xuân năm 2011-2012 mặc dù giá phân bón, thuốc BVTV có tăng, nhưng do áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật đã giảm được chi phí đầu tư cũng như giá thành trong sản xuất, nên nông dân sản xuất đạt lợi nhuận khá.
Đặc biệt, vụ đông xuân 2011-2012 mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại của THT tập đoàn 6 được Công ty Docimexco ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua đó, góp phần giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Đây được xem là hướng mở mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Cô Lê Thị Xứng - P.Trạm Khuyến nông huyện Tháp Mười cho biết: “Tuy là năm đầu tiên thực hiện mô hình THT cánh đồng hiện đại tại ấp 4, xã Đốc Binh Kiều nhưng hiệu quả đạt được rất cao. Nhất là bước đầu tạo được sự liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Đây là điều mà nông dân cũng như chính quyền luôn mong muốn. Sắp tới, để mô hình ngày càng có hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong huyện.
(Nguồn: Báo Đồng Tháp)