Ảnh minh họa
Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa hôm thứ Năm 3-7 đã lên mức 40,5 triệu đồng/tấn, cao hơn 0,5 triệu đồng/tấn so với cách đấy một tuần. Mức này cũng đã chạm vào cuối tuần trước, nhưng rớt lại ngay trong mấy ngày đầu tuần do sức bán ra và chốt giá hàng đã gởi kho người mua khá mạnh.
“Đừng nghĩ rằng nếu giá xuống sâu hơn, người còn hàng sẽ bán ra tiếp. Từ nhiều ngày nay, giá dưới 40 triệu đồng/tấn đã rất khó mua, nên các nhà xuất khẩu rất ngại bán cho khách ngoại,” một đại lý ở thành phố Buôn Ma Thuột cho biết.
Quả vậy, khi giá kỳ hạn xuống sâu dưới 1900 đô la/tấn, mức chênh lệch của giá xuất khẩu giữa sàn kỳ hạn và FOB (giao hàng lên tàu) được chào bằng hay cao hơn giá niêm yết. Nên, giá kỳ hạn tăng mấy hôm nay đôi khi cũng do người ta phải mua hàng giấy trên sàn kỳ hạn và làm giá tăng để kéo giãn giá trừ lùi nhằm mua được hàng thực (physical) cũng nên, một nhà phân tích nhận định. Giá xuất khẩu loại 2, 5% đen bể sáng nay đang được chào trừ 30-40 đô la/tấn nhưng khách nhập khẩu đang trả trừ 60-65 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn robusta London.
Mỗi thị trường một cách đi
Một hiện tượng trên thị trường cà phê làm nhiều người vẫn chưa tìm ra lời giải: trong khi tin đồn arabica mất mùa, lượng bán ra từ nước xuất khẩu arabica hàng đầu vẫn mạnh dẫn đến giá trên sàn chuyên giao dịch arabica ở New York cứ sụt sùi liên tục. Trong khi đó, nhiều nhà chuyên môn đều có nhận định sản lượng robusta thế giới hầu như không hề hấn gì nhưng sức bán ra từ các nước chủ lực như Việt Nam, Indonesia giảm trông thấy.
Bộ Thương mại Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 6-2014 đạt 2,6222 triệu bao, tăng gần26% so với mức 2,0836 triệu bao ở cùng kỳ năm ngoái dù tin đồn Brazil bị hạn hán hoành hành đến nay vẫn chưa dứt.
Trong lúc đó, xuất khẩu cà phê tháng 6 của Indonesia giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt6.897,62 tấn. Lũy kế xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu niên vụ 2013/14 đạt 174.303,96 tấn, giảm1,5% so với mức 177.303,96 tấn ở cùng kỳ niên vụ trước, thống kê của ngân hàng trung ương nước này tiết lộ.
Tổng cục Thống kế ước rằng xuất khẩu cà phê tháng 6-2014 của nước ta cũng giảm chỉ còn110.000 tấn so với 137.400 tấn trong tháng 5 trước đó.
Đến nay, nhiều người tin rằng lượng arabica sẽ thiếu nhưng giá rất yếu, từ quanh mức 4.850 đô la/tấn vào giữa tháng 4-2014 xuống chỉ còn 3.815 đôla/tấn; còn robusta vẫn phải giao dịch chung quanh mức 2.000 đô la/tấn, là mức cao so với trước đấy chỉ 1.500-1600 đô la/tấn ở cuối năm 2013.
Yếu tố sản lượng, cung-cầu trong trường hợp này hầu như không quyết định giá thị trường mà có lẽ do một yếu tố khác. Phải chăng đó là do cách biết điều phối sức bán ra của các nước xuất khẩu cà phê robusta?
Nguyễn Quang Bình, SGTT số 52 ngày 4-7-2014