Ảnh minh họa
Đây là hiện tượng bất thường, khác với vụ lúa xuân ở các năm trước (bọ xít đen thường chỉ xuất hiện và gây hại không đáng kể thời kỳ cuối vụ).
Trước thực trạng này, nhiều nông dân rất băn khoăn là có nên phòng trừ bằng thuốc BVTV hay không, không phun thuốc thì lúa có bị ảnh hưởng? Xin khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật sau:
+ Đặc điểm phát sinh và gây hại của bọ xít đen: Hằng năm, bị xít đen thường phát sinh gây hại 2 lứa (lứa từ tháng3 - 5 và lứa từ tháng 8 - 9). Cả bọ xít non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây ở các bộ phận thân, lá, đòng. Bọ xít non phát triển trung bình 40 ngày, trưởng thành trung bình 10 - 10,5 tháng.
Bọ xít trưởng thành có xu tính ánh sáng. Nếu trời nắng, bọ xít chui và ẩn nấp dưới thân, gốc lúa rồi chích hút nhựa. Trời râm mát thì trưởng thành và con non bò lên lá để phá hại làm lá lúa có những điểm đốm vàng dẫn đến lúa phát triển kém.
Nếu bị nặng, toàn cây khô héo và chết từng khóm. Cây lúa ở thời kỳ trỗ, bị bọ xít gây hại nặng thì bông lúa bị lép hoặc bạc trắng ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Bọ xít đen thường gây hại trên những ruộng lúa cấy sớm, xanh tốt, rậm rạp, nhiều cỏ.
+ Biện pháp cụ thể: Qua thực tế thăm đồng cho thấy: Bọ xít đen chỉ gây hại cục bộ trên những chân ruộng lúa đã xanh tốt, cấy dày và đang ở pha trưởng thành. Mật độ trung bình khoảng 20 - 25 con/m2 (khoảng 2 cây lúa có 1con bọ xít).
Lúc này, khi bị bọ xít gây hại, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Mặt khác, ở mật độ này, làm cho diện tích lá lúa bị mất diệp lục là rất ít so với diện tích lá xanh còn lại.
Vì vậy, khả năng đền bù và khôi phục lại của lúa là rất nhanh chóng. Cho nên, tác hại đó sẽ không ảnh hưởng gì đến năng suất sau này. Chính vì thế, nông dân không cần dùng thuốc phun trừ bọ xít nhằm bảo tồn và phát triển các loài thiên địch có trong ruộng lúa (ong kí sinh, kiến, bọ rùa, nấm đối kháng...) để tiêu diệt sâu hại giữa và cuối vụ.
Muốn bọ xít không gia tăng số lượng ở các giai đoạn sau của vụ lúa, nông dân cần áp dụng biện pháp điều tiết nước bằng cách, vào thời kỳ bọ xít đẻ trứng rộ, có thể hạ mức nước trong ruộng để bọ xít đẻ trứng ở vị trí thấp hơn.
Sau đó, cứ 4 ngày một lần cho nước vào cao hơn vị trí ban đầu, ngâm 24h. Làm 2 - 3 lần như vậy sẽ tiêu diệt được rất nhiều trứng bọ xít.
Thiên Kính/ nongnghiep.vn