Chờ đợi bán lúa HT
Làm nhiều, lãi ít
ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa HT. Những nơi gieo sạ sớm như thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) giờ đã có lúa chín. Ông Nguyễn Văn Thơm, Phó Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, thị trấn Tràm Chim cho biết: HTX SX được 230 ha lúa. Ở đây chỉ làm 3 giống có thời gian thu hoạch trong khoảng 95-100 ngày (OM4900, OM4218, OM6976). Nhờ gieo sạ sớm hơn một số nơi nên nay đã có lúa. Lúa gặt được 2 ngày rồi. Năng suất vẫn giữ vững ở mức trên 6 tấn/ha. Cắt tới đâu chúng tôi bán lúa tươi tới đó. Lúa vẫn tiêu thụ được hết. Có điều năm nay loại OM4900 bán chỉ được giá 5.000 đ/kg; còn OM4218 giá thấp hơn, được 4.500 đ/kg; OM6976 có giá 4.300 đồng/kg.
Theo ông, nhìn chung thì giá bán được vậy cũng là mừng. So với mọi năm, lợi nhuận có phần giảm đi do giá lúa thấp hơn vụ năm rồi, mỗi kg mất 500 đồng. Nhưng, giá thành năm nay thì rõ ràng là cao hơn các năm trước, ở mức 1-1,5 triệu đ/công; do tiền phân, thuốc, công thợ, cái gì cũng cao hơn trước”.
Ông Phạm Chí Thương, xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè (Tiền Giang), một nông dân chân lấm tay bùn, nhiều kinh nghiệm, tâm sự có phần bằng lòng hơn: “Ở đây, bà con quen làm lúa IR504 (50404) ngắn ngày (85-90 ngày). Đây là giống nội địa, giá không cao. Bù lại năng suất khá, bình quân trên 6 tấn/ha. Riêng, ruộng tôi mùa này được 7 tấn/ha, cao nhất đồng ở đây. Tuần rồi thu hoạch, bán được 4.120 đ/kg (giá lúa đứng). Tôi kiếm lời cũng được hơn 1,5 triệu đ/công. Về giá thành tốn khoảng trên 1 triệu đ/công. Ở đây, do lúa sập nên công cắt rất cao, lên đến 3 triệu đồng/ha. Về lợi nhuận, so với năm rồi, tôi thất thu 1 triệu đồng/công. Nhưng không phải do năng suất thấp, mà do giá lúa bán hạ; còn giá vật tư thì tăng, như phân bón tăng 20% so với vụ ĐX, thuốc cũng tăng, công cán đều tăng...”.
Những nơi gieo sạ trễ hơn, như đồng ruộng xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An) cũng còn hơn tháng nữa mới vào chính vụ. Ông Hồ Văn Sinh có 6 ha ruộng ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh cho biết thêm tình hình làm lúa HT ở xã: “Tân Lập SX 2.200 ha lúa HT. Ở đây chỉ trồng 2 giống OM4900 và OM6979. Lúa chưa thu hoạch nên chưa biết giá sắp tới như thế nào. Nhưng thường vào chính vụ, lúa nhiều nên dễ bị ép giá, có khi xuống thê thảm, còn trên dưới 3.000 đ/kg.
Đã vậy, thì không còn lời bao nhiêu; nhất là những người làm lúa ít, chỉ 1 vài ha. Nếu tính năng suất 6 tấn/ha, giá được 5.000 đ/kg, thì bình quân 1 ha, nông dân được 30 triệu đồng. Có lời cũng chỉ 10-15 triệu đ/ha. Còn nếu không được vậy, thì coi như người làm lúa gặp nhiều trắc trở.
Như năm nay năng suất ở đây có thể thấp, độ chừng 5 tấn/ha, giá bán lúc ấy lại giảm; trong khi giá phân bón tăng khoảng 20%, giá thuốc BVTV lại tăng vô chừng, không dưới 20%. Công cắt máy cũng mất 2,4 triệu đ/ha. Còn giá công thợ, gần đây đã tăng từ 100.000-150.000 đ/ngày rồi, thì còn đâu mà lời”.
Tiếp xúc một thương lái, chị Ngọc Thu cho biết, tại Tiền Giang, Đồng Tháp… lúa IR50404 tại ruộng chỉ còn 3.700-3.800 đ/kg; các loại lúa dài còn ở mức giá 5.000 đ/kg. Nhìn chung, giá lúa thấp nhưng người buôn cũng không mặn mà tích cực thu mua. Nếu tình trạng này kéo dài, đến thời điểm thu hoạch rộ ở ĐBSCL, thì việc tồn đọng, rớt giá lúa khó tránh khỏi.
Tại tỉnh Kiên Giang, ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết, đến nay nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được trên 47.000 ha lúa HT, tập trung chủ yếu ở huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, năng suất khá thấp, bình quân chỉ đạt 5,4 tấn/ha. Với chi phí đầu tư tăng cao, trong khi giá lúa tuần qua tiếp tục giảm từ 100-200 đ/kg, chỉ còn khoảng 4.000 đ/kg lúa tươi, 5.000-5.200 đ/kg lúa khô nên lợi nhuận rất thấp.
Lão ông Nguyễn Văn Tân, ở xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang vừa thu hoạch xong hơn 2 ha lúa HT sớm, buồn rầu nói: “Năm nay mưa nhiều khiến lúa bị vi khuẩn và bệnh đạo ôn tấn công, gia đình tui phải phun xịt tới 5 lần thuốc nhưng lúa vẫn bị vàng rực, cháy rụi theo từng chòm, làm giảm năng suất khoảng 30%. Với hơn 2 ha, tui chỉ thu hoạch được 11 tấn lúa tươi, bán luôn tại ruộng 3.900 đ/kg, thu về vỏn vẹn được 43 triệu đồng. Trong khi đó, cộng sổ chi phí đầu tư SX đã hơn 38 triệu đồng, tính ra mỗi tháng cả nhà làm vất vả trên đồng rộng chỉ kiếm được 1,5 triệu đồng. Thế những vẫn còn thuộc diện may mắn, chứ nhiều người mang về nhà sấy khô tính ra còn lỗ vốn”.
Tại Hậu Giang, đến nay nông dân cũng đã thu hoạch được 21.000/77.000 ha lúa HT, năng suất lúa trung bình đạt 5,3 tấn/ha. Ngoài nỗi lo chi phí đầu tư tăng, trời mưa nhiều khiến công thu hoạch gặp khó thì điều nông dân lo lắng nhất hiện nay chính là giá lúa giảm và khó tiêu thụ.
Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, nông dân trong tỉnh đã bước vào thu hoạch rộ lúa HT nhưng rất ít thương lái đi thu mua, dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó. Hiện giá lúa đã xuống thấp nhất kể từ đầu năm đến nay nhưng nông dân muốn bán cũng không dễ. Điều này không chỉ làm cho chi phí tăng thêm do nông dân phải tốn công phơi sấy, mua bao tạm trữ… mà còn không có tiền trả nợ vật tư, chi phí cho vụ thu đông đang cận kề.
“Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ NN-PTNT mới đây ở TP HCM, chúng tôi đã kiến nghị sớm tìm giải pháp tiêu thụ lúa hàng hóa để đảm bảo đời sống cho nông dân trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang gặp khó. Trước mắt nhà nước cần có chính sách mua lúa tạm trữ để nâng đỡ giá không sụt giảm sâu hơn”, ông Đời kiến nghị.
Theo Sở NN-PTNT Cần Thơ, vụ lúa HT 2012 toàn TP xuống giống được 82.192 ha, đạt 102,87% so với kế hoạch đề ra. Đến nay, nông dân các quận, huyện đã thu hoạch được trên 50.000 ha, đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch rộ và dự kiến đến giữa tháng 7 sẽ dứt điểm thu hoạch lúa HT chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa TĐ. Theo đánh giá của nhiều bà con nông dân, vụ lúa HT năm nay một số bệnh đã bùng phát mạnh, nhất là bệnh đạo ôn, gây thiệt hại lớn cho nhà nông.
Một số nông dân ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho biết, hiện giá công cắt tay đã lên trên 500.000 đ/công nhưng rất khó mướn được thợ. Còn cắt máy cũng tăng lên 350.000 đ/công, tuy nhiên chỉ những ruộng lúa đỗ ngả ít, chân ruộng khô thì chủ máy mới nhận cắt.
Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 60.000/198.255 ha gieo sạ, năng suất đạt 5,8-5,9 tấn/ha, tương đương năng suất vụ HT năm 2011. Dự kiến trong tháng 7 tới nông dân Đồng Tháp sẽ thu hoạch dứt điểm lúa HT để tập trung xuống giống vụ TĐ . Khó khăn lớn nhất mà nông dân đang gặp phải là chí phí thu hoạch tăng cao, lúa thu hoạch xong rất khó tiêu thụ.
Theo lý giải của các con buôn thì lúa cắt máy thường là lúa đứng, lúa sạch hơn, còn cắt tay là lúa bị đổ ngả, thấm nước, nên mua lúa tươi sẽ bị đội ký lên rất nhiều. Chính điều này càng làm cho những chủ ruộng có lúa bị đỗ ngả đã khó tiêu thụ lại càng khó hơn.
Trong khi nông dân đang gặp khó khăn về khâu thu hoạch do thời tiết không thuận lợi (trời mưa nhiều) thì ở nhiều nơi lại xuất hiện tình trạng thương lái chỉ chọn mua lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Có nơi thương lái chấp nhận mua giá cao hơn lúa thu hoạch bằng tay tới 200 đ/kg.
Giám đốc một Cty chuyên xuất khẩu gạo có uy tín ở ĐBSCL cho rằng giá lúa gạo thời gian qua giảm mạnh là do các địa phương đã bước vào thu hoạch rộ lúa HT, nguồn cung lúa hàng hóa đang rất dồi dào. Trong khi đó, hoạt động thu mua lúa, gạo của các DN chế biến gạo xuất khẩu vẫn còn khá yếu do còn lo tập trung xuất hàng để giải quyết lượng gạo tồn kho.
Nếu hàng trong kho chưa xuất hết mà lại được phân công mua tạm trữ lúa HT nữa thì DN cũng rất khó khăn. Sự hỗ trợ giá vụ này đến được tay bà con nông dân sẽ giúp họ giảm bớt nỗi lo gánh nặng đầu ra. Mặt khác, sự an tâm của người làm lúa là điều kiện tiên quyết để họ bám đất, giữ đồng.
(Nguồn:Thạch Thảo-Đ.T.Chánh-Lê Hoàng Vũ - Báo NNVN)